Đồng thời với cảnh liên quân Mỹ - Anh tràn vào thủ đô Baghdad và tất cả các thành phố lớn hầu như để ngỏ của Iraq là cảnh cướp bóc, hôi của, hỗn loạn... Đất nước Iraq đã có thời điểm thật sự rơi vào tình trạng vô chính phủ. Bộ máy chính quyền của ông Saddam đã sụp đổ song chưa có một bộ máy cai trị mới lên thế chỗ. Liên quân Mỹ - Anh với nhiệm vụ chính yếu đè bẹp sức kháng cự của lực lượng vũ trang của chính quyền Saddam chưa ở vào vị thế sẵn sàng và không thể thay thế một bộ máy cai trị cả một đất nước.
Vấn đề dựng lên một chính quyền mới ở Iraq không khó lắm đối với Mỹ vì nói như lời của Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell thì những ai “đã trả giá về chính trị, bằng máu và tiền của” đương nhiên phải có quyền sắp đặt “một chính phủ mới ở Iraq”. Không khó bởi bất cứ ai cũng biết rằng một cơ cấu chính quyền lâm thời ở Iraq chỉ là hữu danh vô thực vì “người nấp sau tấm bình phong chính quyền lâm thời” - Washington - mới là người có quyền lực thực sự. Điều khó khăn nhất đối với Washington là dựng lên một cơ cấu quyền lực mới tại Iraq vừa đảm bảo cho những lợi ích gần như tuyệt đối của Mỹ, lại vừa được sự chấp nhận của các lực lượng chính trị và người dân Iraq, cũng như sự chấp thuận của cộng đồng thế giới để có được sự “phê chuẩn” của LHQ sau này.
Theo kịch bản hậu chiến, thoạt đầu việc quản lý Iraq ngay sau chiến tranh được giao cơ cấu quyền lực mang tên “Văn phòng tái thiết nhân đạo Iraq” do tướng Mỹ hồi hưu Jay Garner đứng đầu. Tiếng là “văn phòng” song thực chất đây chính là một chính phủ quân quản của Mỹ trực tiếp điều hành công việc đất nước Iraq thời hậu chiến. Ông Garner và “sếp” trực tiếp của viên tướng về hưu này là tướng Mỹ Tommy Franks, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm và là Tổng Chỉ huy Lực lượng liên quân Mỹ - Anh trong cuộc chiến tranh Iraq, sẽ dàn xếp để hình thành lên một bộ khung của chính quyền lâm thời Iraq do người Iraq đứng đầu.
Thiết lập một chính quyền quân quản của Mỹ, Washington không chỉ khó ăn khó nói với cộng đồng thế giới vốn đã phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh mà còn vấp phải sự chống đối của những phe phái đối lập ở Iraq. Hội đồng Tối cao Cách mạng Hồi giáo Iraq, nhóm đối lập lớn nhất của người Shiite hiện chiếm tới 60% dân số Iraq, đã tuyên bố từ chối công nhận bất cứ cơ cấu quyền lực nào Iraq bị “giật dây” bởi những kẻ “ngoại đạo”. Ông Abdul Aziz Hakim, nhà lãnh đạo của nhóm Hồi giáo này, nhấn mạnh: “Iraq cần một chính phủ lâm thời do người Iraq đứng đầu. Bất cứ điều gì không đúng như vậy sẽ là một sự tước bỏ quyền lợi của người Iraq và dẫn tới sự quay trở lại thời kỳ thực dân”.
Trong khi còn đang đau đầu với câu hỏi làm sao để có thể hình thành một cơ cấu quyền lực do viên tướng Garner đứng đầu một cách êm xuôi, Washington cũng bắt đầu phải “đánh vật” với việc thiết lập một chính quyền lâm thời của người Iraq. Khó khăn lớn nhất của Mỹ là các phe phái chính trị hiện nay của Iraq quá phân tán và không có một phe nhóm cũng như một cá nhân lãnh đạo nào nổi trội. Người mà Lầu Năm Góc đã lựa chọn ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo chính quyền lâm thời Iraq - ông Ahmed Chalabi - lại không có uy tín lẫn thiện cảm trong các phe phái chính trị ở Iraq. Đó là chưa kể ông này đã đi sống lưu vong từ năm 13 tuổi và không am hiểu mấy về tình hình chính trường và các phe phái đối lập Iraq.
Cuộc họp đầu tiên giữa Mỹ và các đảng phái chính trị Iraq diễn ra ngày 15-4-2003 tại Ur (Iraq) nhằm bàn về tương lai đất nước này đã không mang lại một kết quả đáng kể nào cho dù tầm quan trọng của hội nghị này như đánh giá của người phát ngôn Nhà Trắng Ari Fleischer là “có ý nghĩa vô cùng quan trọng” đối với tương lai Iraq. Cuộc gặp tại Ur là một lời cảnh báo rõ ràng về chặng đường đầy khó khăn trong tiến trình thiết lập một chính quyền thân Mỹ tại Iraq sau chiến tranh.
Cỗ máy chiến tranh của liên quân Mỹ - Anh đã phá tan chính quyền của ông Saddam, song việc dựng lên một cơ cấu quyền lực mới ở quốc gia vùng Vịnh này lại đang là một bài toán nan giải đối với Washington.
Bình luận (0)