50 năm tự hào kiến trúc Việt

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã trao bằng khen cho tác giả 50 công trình kiến trúc tiêu biểu của 34 tỉnh, thành phía Nam

Trong đó, TP HCM có 10 công trình kiến trúc được vinh danh như: Khu Tưởng niệm các Vua Hùng (TP Thủ Đức, TP HCM) của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu; Đền Tưởng niệm Bến Dược (huyện Củ Chi, TP HCM) của kiến trúc sư Khương Văn Mười; Nhà Văn hóa Sinh viên TP HCM của kiến trúc sư Nguyễn Trung Kiên; Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP HCM) của kiến trúc sư Đồng Viết Thái...

Những kiến trúc tiêu biểu

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), tác giả của 50 công trình kiến trúc tiêu biểu của 34 tỉnh, thành phía Nam đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam vinh danh. Đó là những công trình kiến trúc tiêu biểu, được xem là biểu trưng của nhiều tỉnh, thành như: Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ của nhóm kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tại, Nguyễn Đức Thịnh, Vũ Đình Dũng; Nhà hát Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu của kiến trúc sư Vương Hoàng Lê; Nhà hát Sông Hương ở Huế của nhóm kiến trúc sư Nguyễn Xuân Minh, Huỳnh Quang; Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam của kiến trúc sư Nguyễn Luận; Quảng trường Lâm Viên Đà Lạt của kiến trúc sư Trần Văn Dũng; cổng chào Khu Du lịch núi Sam - An Giang của kiến trúc sư Trần Chánh Trung; chợ Đông Hà - Quảng Trị của kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận; Văn miếu Trấn Biên ở Đồng Nai của nhóm kiến trúc sư Nguyễn Thiện Tâm, Đinh Văn Bình, Đinh Thị Bích Hằng...

50 năm tự hào kiến trúc Việt- Ảnh 1.

Đền Tưởng niệm Bến Dược (huyện Củ Chi, TP HCM)

Trong chuỗi hoạt động vinh danh các công trình kiến trúc tiêu biểu, Hội thảo triển lãm "Kiến trúc Việt Nam - 50 năm thống nhất đất nước" đã được tổ chức tại TP HCM. Hội thảo tập trung thảo luận xoay quanh các chủ đề quy hoạch đô thị và nông thôn, kiến trúc, di sản kiến trúc và đào tạo kiến trúc sư. Ông Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đại diện ban tổ chức - cho biết ban tổ chức nhận 23 bài tham luận chuyên sâu về công tác quy hoạch, kiến trúc, đô thị và nông thôn khái quát những thành tựu trong phát triển quy hoạch kiến trúc của đất nước trong 50 năm qua, trong đó có TP HCM.

Dịp này, Hội Kiến trúc TP HCM cũng phát hành tập sách "Diện mạo quy hoạch - kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh 50 năm (1975 - 2025)". Tập sách ghi nhận những thành tựu đặc sắc của giới kiến trúc sư thông qua các công trình được xây dựng tại TP HCM trong 50 năm qua, những công trình tạo điểm nhấn cho một thành phố phát triển, hiện đại và năng động, đồng thời đây cũng là dịp điểm lại chặng đường 50 năm quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị của TP HCM.

Ấn tượng Bảo tàng Lịch sử Quân sự

Một trong những công trình kiến trúc tạo dấu ấn nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam của nhóm tác giả gồm kiến trúc sư Hiroshi Miyakawa, kiến trúc sư Trịnh Việt A, kiến trúc sư Michio Oizumi, kiến trúc sư Nguyễn Đình Đông, kiến trúc sư Gen Sugiyama. Công trình kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã nhận giải thưởng lớn - Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2024 - 2025, hạng mục Kiến trúc công cộng.

Đây là một tác phẩm kiến trúc công cộng rộng 38,6 ha tại khu vực Tây Mỗ, Đại Mỗ - cách trung tâm Hà Nội khoảng 9 km về phía Tây trên đại lộ Thăng Long, thay thế cho bảo tàng cũ quy mô hạn chế tại khu vực di tích Hoàng Thành Thăng Long. Thiết kế của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được lấy cảm hứng từ sức mạnh uy nghiêm của quân đội, tượng trưng cho sự kiên cường và khát khao hòa bình, độc lập của dân tộc.

50 năm tự hào kiến trúc Việt- Ảnh 2.

Một góc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: TƯ LIỆU)

Nhận xét công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội đồng Giải thưởng cho biết: "Bảo tàng Lịch sử Quân đội là một công trình kiến trúc đồ sộ, cho thấy quy mô đầu tư lớn và đầy tâm huyết. Công trình không chỉ bảo đảm về chất lượng thiết kế, thi công mà còn chứa đựng giá trị xã hội sâu sắc.

Công trình mang tính biểu tượng với ý tưởng độc đáo do khai thác hợp lý đặc trưng văn hóa và lịch sử chống ngoại xâm của người Việt Nam với truyền thuyết về "Nỏ thần An Dương Vương". Điều này làm tăng thêm giá trị giáo dục về sự tri ân và lòng yêu nước của người Việt Nam".

Theo các nhà chuyên môn, thiết kế mặt tiền của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được tạo nên từ dãy cột vô cùng tinh giản nhưng gợi lên cảm giác uy nghiêm và tôn kính. Nét độc đáo ở công trình này nằm ở yếu tố: Chỉ với một chiếc trụ nhưng người kiến trúc sư tạo nên cả một ngôi đền. Tổng mặt bằng quy hoạch là giải pháp kết nối hợp lý công trình bảo tàng với cảnh quan xung quanh như một công viên, đáp ứng nhu cầu trưng bày và hoạt động đa dạng ngoài trời của cộng đồng.