xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

THƠ PHỔ NHẠC 50 NĂM TP HCM: Những câu chuyện sâu đậm ân tình

NGUYỄN THIÊN DI

Kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, Hội Nhà văn TP HCM biên soạn tập sách "Thơ phổ nhạc 50 năm TP HCM"

Mục đích giới thiệu một diện mạo thơ - nhạc của một thành phố năng động, nghĩa tình.

Sách dày 530 trang, giới thiệu thơ của hơn 60 tác giả, ca khúc phổ thơ của các nhạc sĩ, cùng những câu chuyện quanh mối lương duyên tác phẩm thơ - nhạc. Nhóm biên soạn giới hạn tiêu chí ưu tiên quy tụ thơ phổ nhạc của tác giả đang sinh sống tại TP HCM hoặc viết trực tiếp về TP HCM.

Hành trình nửa thế kỷ thơ - nhạc

Lấy cột mốc ca khúc "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" do nhạc sĩ Cao Việt Bách phổ thơ Đăng Trung ra đời ngay khi đất nước thống nhất, tập sách dựng lại hành trình nửa thế kỷ thơ phổ nhạc trong đời sống đô thị phương Nam đa dạng và phong phú.

Bìa tập sách “Thơ phổ nhạc 50 TP HCM” Ảnh: HỘI NHÀ VĂN TP HCM

Bìa tập sách “Thơ phổ nhạc 50 TP HCM” (Ảnh: HỘI NHÀ VĂN TP HCM)

Nổi bật trong tập thơ - nhạc là những nhà thơ - nhạc sĩ tên tuổi với những tác phẩm có sức sống vượt thời gian. Tiêu biểu như nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với các ca khúc "Đất nước" (thơ Tạ Hữu Yên), "Dấu chân phía trước" (thơ Hồ Thi Ca), "Nắm đất Bác hôn" (thơ Đoàn Vị Thượng), "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh); Nguyễn Văn Tý với "Huyền diệu" (thơ Bảo Định Giang); Hoàng Hiệp với "Viếng lăng Bác" (thơ Viễn Phương), "Em vẫn đợi anh về" (thơ Lê Giang), "Đánh mất" (thơ Thanh Nguyên); Xuân Hồng với "Mùa xuân bên cửa sổ" (thơ Song Hảo); Phan Huỳnh Điểu với "Thơ tình cuối mùa thu", "Thuyền và biển" (thơ Xuân Quỳnh); Phạm Tuyên với "Ba mươi sáu sợi phố" (thơ Trần Quốc Toàn); Phú Quang với "Em ơi Hà Nội phố" (thơ Phan Vũ), "Chiều phủ Tây Hồ" (thơ Thái Thăng Long), "Nỗi nhớ mùa đông" (thơ Thảo Phương), "Catinat cà phê sáng" (thơ P. N Thường Đoan), "Quán thời gian" (thơ Trương Nam Hương), "Im lặng đêm Hà Nội" (Phạm Thị Ngọc Liên); Phan Nhân với "Vườn cây của ba" (thơ Nguyễn Duy); Trương Tuyết Mai với "Huế, tình yêu của tôi" (thơ Đỗ Thị Thanh Bình)…

Nói hộ nỗi lòng

Nhà thơ Hồ Thi Ca kể lại câu chuyện ông sáng tác bài thơ "Dấu chân phía trước" về chàng trai 21 tuổi Nguyễn Ái Quốc trên Bến Nhà Rồng năm nào, về những trăn trở của Người.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn bộc bạch: "Cơ duyên gặp được bài thơ "Dấu chân phía trước" giúp tôi nói hộ nỗi lòng không chỉ của người nhạc sĩ mà của cả con dân đất Việt dành cho vị lãnh tụ kính yêu".

Nói về bài thơ "Viếng lăng Bác" của nhà thơ Viễn Phương, nhạc sĩ Hoàng Hiệp kể lại: "Sáng tác âm nhạc cần có những điểm nhấn để gây ấn tượng cho đối tượng thưởng thức. "Mà sao nghe nhói ở trong tim" là đoạn thơ gây ấn tượng như thế. Tình cảm toàn bài là nỗi nhớ thương, là âm hưởng buồn đau, ngậm ngùi của tác giả đi viếng Bác. Buồn nhưng không bi lụy, đau thương đã biến thành hành động là như vậy".

Nhà thơ Lê Tú Lệ viết "Ký ức đêm trắng đồng Vĩnh Lộc" trong trường ca "Thành phố khát vọng", cảm xúc về sự hy sinh của 32 dân công của xã Vĩnh Lộc trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nhạc sĩ Phạm Hoàng Long cho biết: "Chất bi tráng của thơ đã cuốn hút tôi. Tôi viết nhạc phục vụ cho vở kịch "Cánh đồng rực lửa" nhưng "Ký ức đêm trắng đồng Vĩnh Lộc" đã trở thành một ca khúc độc lập, được hát lên để tưởng niệm, để nhớ về một thời".

Tập sách cũng hé mở nhiều chi tiết thú vị. Nhà báo - nhà thơ Đăng Trung đã viết nên những câu thơ đầy cảm xúc trong tháng 5-1975, song do chưa in báo nên ông chuyển cho nhạc sĩ Cao Việt Bách, từ đó ca khúc "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" ra đời. Nhà thơ viết "Thành phố Hồ Chí Minh ngời ngời rực sáng tương lai" lúc Sài Gòn chưa mang tên Bác, song ông dựa vào câu thơ "Ai vô thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng" trong bài thơ "Ta đi tới" của Tố Hữu và điều đó đã trở thành sự thật, thành tựa đề ca khúc đầy cảm xúc tự hào.

Những ca khúc từ tháng năm chiến đấu hào hùng, lãng mạn cũng có mặt trong tập sách khi những bài thơ được công bố sau năm 1975 như thơ của nhà thơ Hoài Vũ. Suốt một thập kỷ (1965-1975), sóng của Vàm Cỏ Đông đã lặn vào thơ Hoài Vũ mà gió của Vàm Cỏ Tây cũng thổi vào thơ Hoài Vũ. Nhạc sĩ Thuận Yến đã phổ của ông 2 ca khúc để đời "Đi trong hương tràm" và "Chia tay hoàng hôn".

Một thời thanh niên xung phong hào hùng, sôi nổi

Trải qua 50 năm, một thời thanh niên xung phong (TNXP) tham gia chiến đấu, phục vụ chiến trường ở mặt trận Tây Nam và xây dựng các nông trường, vùng kinh tế mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, thành thơ, thành nhạc lay động lòng người.

Theo nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh: "Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, rất nhiều thanh niên thành phố lên đường bảo vệ Tổ quốc. Nhiều đồng đội TNXP của tôi đã sát cánh với các đơn vị bộ đội để bắc cầu, cáng thương, tải đạn. Bài thơ "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" ra đời trong hoàn cảnh đó. Cảm hứng sáng tác của thế hệ cầm bút chúng tôi lúc đó là cảm xúc công dân, gắn liền với biến động thời cuộc, với lòng yêu nước cháy bỏng". Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhìn nhận: "Ý thơ khiến tôi thấm thía nỗi nhớ của những người con thành phố. Chính từ điều này đã cho tôi xúc cảm để phổ gần như hoàn chỉnh bài thơ với giai điệu dạt dào mong nhớ".

Nhà thơ Đỗ Trung Quân viết "Những bông hoa trên tuyến lửa" được nhạc sĩ Nguyễn Cửu Dũng phổ nhạc. Thơ và nhạc khắc họa vẻ đẹp vĩnh hằng của những nữ TNXP - những bông hoa nơi tuyến lửa bằng xúc cảm chân thành. Khi tham gia xây dựng nông trường ở Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ), nhà thơ TNXP Nam Thiên (Ông Văn Chiến) viết bài thơ "Lời tỏ tình trên đảo Ông Đen" (ông Đen là biệt danh của Giám đốc Nông trường Đỗ Hòa, ông Phan Tấn Lân hồi ấy). "Từ những câu thơ trữ tình rất đẹp, tôi đã chắp cánh thành giai điệu và tiết tấu của một ca khúc tình yêu TNXP" - nhạc sĩ Trương Quang Lục cho biết. 

Ngẫu hứng

Nhà thơ Thái Thăng Long kể lại hoàn cảnh ra đời bài thơ "Chiều phủ Tây Hồ" vào cuối năm 1993. Chiều đã xế, tiết trời lạnh, những cô gái đi lễ mặc áo đỏ vàng khiến ông liên tưởng đến thánh Mẫu, tưởng tượng trạng Bùng Phùng Khắc Khoan chèo thuyền mời rượu Mẫu. Cảm xúc trào dâng giúp ông sáng tác nên bài thơ và được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. "5 ngày sau, tại phòng thu, có ca sĩ Lê Dung ở đó, cả ba nghe lại đều có cảm giác lạ. Phú Quang chảy nước mắt" - nhà thơ Thái Thăng Long nhớ lại…


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo