Linh hoạt mức hưởng
Cần có cơ chế linh hoạt, điều chỉnh theo mức sống và tình hình thực tế
Trợ cấp thất nghiệp 60% (cụ thể là 60% của mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp) là một quy định hiện hành theo Luật Việc làm 2013 của Việt Nam.
Mức hưởng này ban đầu được đánh giá là hợp lý khi bảo đảm tính chia sẻ và bền vững quỹ BHTN; vừa đủ để hỗ trợ người lao động (NLĐ) duy trì cuộc sống tạm thời, đồng thời vẫn duy trì tính bền vững tài chính cho quỹ. Mục tiêu khác là khuyến khích NLĐ sớm quay lại thị trường lao động. Ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức... cũng áp dụng mức từ 50% đến 70% tùy từng thời gian đóng và giai đoạn hưởng. Tuy nhiên theo thời gian, đã có những bất cập và tranh cãi về mức hưởng này.
Thực tế ở các thành phố lớn có chi phí sinh hoạt đắt đỏ như Hà Nội, TP HCM..., 60% thu nhập cũ là quá thấp nếu NLĐ không có khoản tích lũy, chưa kể không tính đến việc họ có người phụ thuộc. Mức hưởng không phân biệt giữa người độc thân và người nuôi con, người già, gây bất bình đẳng về nhu cầu sống. Chênh lệch giữa lương đóng bảo hiểm và lương thực tế cũng khiến NLĐ thiệt thòi. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện không nhiều doanh nghiệp khai thấp mức lương đóng BHTN, nên 60% của mức này thực chất còn thấp hơn nhiều.
Rõ ràng, mức hưởng 60% hiện nay có cơ sở hợp lý về mặt chính sách an sinh và quản lý quỹ, nhưng chưa thật sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của NLĐ, đặc biệt ở khu vực đô thị hoặc người có hoàn cảnh khó khăn. Cần có cơ chế linh hoạt, điều chỉnh theo mức sống và tình hình thực tế. Trước mắt, song song với việc xét nâng mức hưởng tối thiểu vùng, cần tăng hệ số tính toán cho người có hoàn cảnh đặc biệt (một mình nuôi con, bệnh tật...); siết chặt việc khai báo lương đóng BHTN đúng thực tế để bảo đảm quyền lợi.
Để bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho NLĐ trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, Luật Việc làm cần được sửa đổi, bổ sung theo các hướng sau nhằm hoàn thiện chính sách trợ cấp thất nghiệp. Chẳng hạn tăng mức hưởng cơ bản trong một số trường hợp: nâng từ 60% lên 70% đối với NLĐ có thời gian đóng bảo hiểm dài (từ 10 năm trở lên); hoàn cảnh khó khăn (nuôi con nhỏ, mất khả năng lao động tạm thời...).
Cũng có thể tính toán áp dụng mức hưởng phân tầng (dựa trên mức lương đóng BHTN thực tế), theo đó, người có thu nhập thấp hưởng tỉ lệ cao hơn để bảo đảm mức sống tối thiểu; thiết kế cơ chế thưởng thời gian, ví dụ: mỗi 5 năm đóng thêm tăng 1 tháng trợ cấp.