Ba trụ cột tăng trưởng đột phá của VRG năm nay
(NLĐO) - VRG đặt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 với 3 chiến lược đột phá là: thúc đẩy cao su, khu công nghiệp và tăng trưởng xanh
Năm 2025 hứa hẹn là một dấu mốc bản lề quan trọng đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng 8% – vượt xa mức trung bình kế hoạch (doanh thu tăng 4,5%, lợi nhuận tăng 4,7% so với năm 2024).
Dựa trên kết quả hoạt động năm 2024 và chiến lược định hướng cho năm 2025, VRG đã xây dựng một lộ trình bài bản với 12 giải pháp trọng tâm, tập trung vào các động lực tăng trưởng then chốt: ngành cao su, phát triển khu công nghiệp, và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Không chỉ là tham vọng về con số, mục tiêu này còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của VRG đối với phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội – hai yếu tố đang ngày càng được thị trường và nhà đầu tư toàn cầu quan tâm.
Thứ nhất, cao su – Củng cố vị thế ngành chủ lực
VRG đặt mục tiêu khai thác 452.000 tấn mủ cao su trong năm 2025, tăng 1,5% so với năm 2024. Giá bán bình quân kỳ vọng đạt 40,8 triệu đồng/tấn – tăng 5,8% so với kế hoạch năm trước.
Bên cạnh việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, VRG sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu – đặc biệt sang châu Âu thông qua việc tuân thủ Quy định chống phá rừng (EUDR). Đi đầu trong triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, các đơn vị như Cao su Đồng Nai đang tạo lợi thế cạnh tranh vững chắc trên thị trường quốc tế. Lĩnh vực cao su dự kiến đóng góp 4-5% vào tổng mục tiêu tăng trưởng.

VRG đặt mục tiêu khai thác 452.000 tấn mủ cao su trong năm 2025
Thứ hai, khu công nghiệp – Động lực bứt phá
VRG lên kế hoạch cho thuê mới 206 ha đất khu công nghiệp – tăng 338,9% so với năm 2024. Nếu các dự án lớn như Nam Tân Uyên mở rộng (346 ha) và Hiệp Thạnh giai đoạn I (495 ha) về đích đúng tiến độ, doanh thu từ khu công nghiệp có thể đạt 1.500-2.000 tỉ đồng, đóng góp 2-3% vào tăng trưởng chung.
Việc thành lập Ban Phát triển và Quản lý Khu công nghiệp cùng sự phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay hợp nhất về Bộ Tài chính) sẽ giúp VRG khai thác hiệu quả quỹ đất hơn 4.600 ha hiện có.

KCN của VRG
Thứ ba, tăng trưởng xanh – Định hình tương lai bền vững
VRG hiện sở hữu 215.624 ha rừng cao su đạt chuẩn VFCS/PEFC và sản lượng 471.000 tấn cao su mang thương hiệu VRG. Các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái (13 triệu KWh, giúp giảm 8.800 tấn CO₂ mỗi năm) và khai thác tiềm năng tín chỉ carbon tại Lào, Campuchia là những bước đi tiên phong, không chỉ tăng giá trị thương hiệu mà còn mở ra nguồn thu mới, đóng góp khoảng 1-1,5% vào tăng trưởng.
Ngoài ra, việc triển khai chuyển đổi số toàn diện – bao gồm hệ thống GIS.VRG, lưu trữ đám mây, và quản lý văn bản số – sẽ giúp giảm tỷ lệ lao động gián tiếp xuống dưới 8%, tiết kiệm chi phí quản lý và nâng cao hiệu quả vận hành. Đây cũng là nền tảng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 4.030 ha, chủ yếu trồng chuối Cavendish.

Nhiều nhà máy của VRG sử dụng năng lượng
Còn nhiều thách thức
Dù có chiến lược rõ ràng, VRG vẫn đối mặt với nhiều thách thức, như biến động giá mủ cao su, thị trường gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su chưa phục hồi, và tiến độ chậm của một số dự án khu công nghiệp. Để đảm bảo đạt mục tiêu 8%, theo lãnh đạo VRG, cần thực hiện các giải pháp như mở rộng thị trường xuất khẩu Tăng cường tiêu thụ mủ cao su sang các thị trường mới như Đông Nam Á và Trung Đông, đồng thời hoàn thiện hệ thống EUDR cho tất cả công ty thành viên.
Để phục hồi ngành gỗ, cần đầu tư nâng cấp công nghệ và tìm kiếm thị trường thay thế để cải thiện doanh thu (dự kiến sản lượng gỗ tăng 7,5-190,9% so với 2024).
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ khu công nghiệp như ưu tiên giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng để đưa các dự án vào khai thác ngay trong quý I-II/2025.
Khẩn trương khai thác tín chỉ carbon. Hợp tác với đối tác quốc tế để phát triển thị trường tín chỉ carbon, đặc biệt tại Lào và Campuchia.

VRG hợp tác với đối tác quốc tế để phát triển thị trường tín chỉ carbon, đặc biệt tại Lào và Campuchia.
Tầm nhìn bền vững
Với truyền thống 95 năm và vị thế dẫn đầu ngành cao su Việt Nam, VRG không chỉ hướng tới mục tiêu kinh tế mà còn cam kết phát triển bền vững, gắn kết với trách nhiệm xã hội. Năm 2024, VRG đã đóng góp gần 3 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ khắc phục bão lũ và xây dựng nông thôn mới. 14 công ty thành viên được vinh danh trong Top 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, trong đó Cao su Chư Păh lọt Top 10, là minh chứng cho chiến lược phát triển toàn diện của Tập đoàn.
Năm 2025, với sự đồng lòng của hơn 81.000 lao động và sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, VRG hoàn toàn có cơ hội đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 8%, tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu trong ngành nông nghiệp và công nghiệp Việt Nam, đồng thời góp phần vào sự thịnh vượng của cộng đồng và môi trường.