Có nên phá thai khi mắc cảm cúm?

* Vợ tôi 31 tuổi, hiện đang mang thai con thứ hai. Làm siêu âm, bác sĩ cho biết vợ tôi có thai đến nay khoảng 10 tuần. Khi thai được 7 tuần, vợ tôi bị cúm, đi khám được cho thuốc điều trị gần một tuần mới hết. Tôi nghe nói cúm có thể ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng không biết vợ tôi có rơi vào trường hợp đó hay không. Xin hỏi có cách gì xác định được điều đó và có nên phá thai cho chắc hay không? Võ Minh Đức (Đà Nẵng)

- BS Phó Đức Nhuận: Trước hết xin chia sẻ nỗi băn khoăn của vợ chồng bạn. Đúng và virus cúm và các loại virus khác đều bị "gán" cho cái tội gây dị tật cho thai nhi khi người mẹ bị nhiễm virus ở giai đoạn đầu của thời kỳ thai nghén. Tuy vậy, trên thực tế, qua nghiên cứu ở nhiều nước, người ta đã thấy rõ virus gây bệnh Rubella có khả năng gây dị tật cho thai với tỉ lệ cao ở giai đoạn này (có thể tới 70% - 80% với những tổn thương ở mắt và hệ thần kinh...) và khi người có thai trong thời kỳ đầu không may bị nhiễm bệnh này thì nên phá thai. Các loại virus khác tuy bị "lên án", nhưng hậu quả đối với thai nghén thật sự chưa có sự hiểu biết đầy đủ và trên thực tế thì chỉ là mối lo ngại chung chung đối với thai nghén và thai nhi mà thôi. Với virus cúm nói chung, các tài liệu khẳng định, khi người mẹ bị nhiễm bệnh nặng thì tình trạng sốt cao, nhiễm khuẩn và nhiễm độc do virus gây ra có thể làm cho thai bị hỏng và gây sẩy thai. Có người cho rằng cúm có thể gây sứt môi, đục thủy tinh thể mắt cho thai, nhưng không đưa ra các tỉ lệ gây dị tật có tính thuyết phục. Nên biết rằng với những thai nghén bình thường, người mẹ không hề có bệnh tật gì trong lúc có thai, thì tỉ lệ dị tật các loại trên thai nhi đã có từ 1% - 2% trong tổng số thai được sinh ra. Vì thế, những thai có dị tật ở những bà mẹ có tiền căn bị cúm trong thời kỳ đầu của thai nghén rất có thể không phải do virus cúm.

Vợ chồng bạn không nên quá lo lắng vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Điều nên làm hơn cả là thường xuyên đi khám thai đều đặn, nên theo dõi sự phát triển của thai bằng siêu âm. Với các máy siêu âm hiện đại ngày nay, thầy thuốc có thể phát hiện sớm các dị tật của thai cả bên ngoài (như sứt môi, tay chân khoèo, thoát vị rốn, thoát vị đốt sống...) hay các dị tật bên trong (như dị tật ở tim, ở thận, ruột hay ở não...). Việc phá thai để cho "chắc chắn" như bạn đề xuất cần được cân nhắc kỹ và nên tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên khoa lây nhiễm và chuyên khoa sản đang theo dõi cho vợ bạn.