Đầu đạn trong người không gây đau, có cần lấy ra?

* Bố tôi năm nay 53 tuổi, trong chiến tranh bị một đầu đạn trúng vào khuỷu tay phải và bị sức ép của bom. Hiện nay cứ mỗi lần trái gió trở trời là ông bị đau tức từ ngực xuống hai khuỷu tay, riêng đầu viên đạn thì thỉnh thoảng sờ vào vẫn thấy chạy qua chạy lại nhưng không đau. Xin hỏi bố tôi bị như vậy có phải do sức ép của bom ngày xưa không? Và đầu viên đạn kia thì có thể mổ nội soi để lấy ra không vì nó làm cánh tay của bố tôi yếu đi so với cánh tay kia?Phạm Đoàn Minh Thu (Quảng Ngãi)

- Phó GS-TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, trả lời: Theo nguyên tắc điều trị trong y khoa, mọi dị vật (mảnh bom, đầu đạn, mảnh gỗ, đá v.v...) trong cơ thể đều cần phải lấy ra. Trừ dị vật ở một số nơi thật đặc biệt mà động tác phẫu thuật lấy dị vật có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Bởi vì khi có dị vật thì các mô xung quanh sẽ có hiện tượng viêm, thậm chí nhiễm trùng đưa đến tình trạng đau nhức, sốt, suy nhược cơ thể. Đau nhức tăng lên khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm hoặc khi thời tiết thay đổi.

Việc lấy dị vật có thể thực hiện bằng phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên tỉ lệ thành công không cao, nhất là đối với những dị vật đã có thời gian nằm lâu trong cơ thể, các mô xung quanh đã bị viêm dày, dính nhiều vào các bộ phận khác. Phẫu thuật mở kinh điển để lấy dị vật có thể thực hiện ở nhiều bệnh viện (BV) tại TPHCM như: BV Đại học Y Dược, BV Chấn thương Chỉnh hình.