Hiếm muộn do chồng điều trị được không?

* Tôi 25 tuổi, kết hôn đã hơn một năm nay nhưng vẫn chưa có con. Tôi đã đi khám nhưng bác sĩ chẩn đoán là buồng trứng và tử cung đều bình thường nên tôi nghĩ có lẽ nguyên nhân gây hiếm muộn ở chồng tôi. Nếu nguyên nhân hiếm muộn do người chồng thì việc điều trị có hiệu quả không, thực hiện ở đâu và chi phí như thế nào? Một bạn đọc (quận 4 – TPHCM)

- Bác sĩ Nguyễn Thành Như, Bệnh viện Bình Dân TPHCM, trả lời: Nếu sau 1 năm sống chung không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà chưa có con thì cả hai anh chị nên đi khám hiếm muộn. Theo thống kê y học, trong 100 cặp vợ chồng hiếm muộn thì 50% là “tại cô ấy”, 30% là “anh ấy”, và 20% còn lại là không ai đổ thừa cho ai được vì cả hai đều bị trục trặc. Vì vậy, chồng chị cũng cần đi khám hiếm muộn. Chỉ có khám bệnh trực tiếp (bác sĩ khám hai tinh hoàn) và làm các xét nghiệm như tinh dịch đồ, siêu âm, đo nội tiết sinh dục trong máu... mới biết chồng chị có bị hiếm muộn hay không, có cần chữa hay không và chữa như thế nào.

Nếu nguyên nhân vô sinh nam là tinh hoàn sinh tinh trùng bình thường nhưng ống dẫn tinh bị tắc thì phẫu thuật có thể giúp thông ống dẫn tinh với tỉ lệ thông thành công trên 70%. Nếu tinh trùng yếu thì phẫu thuật trị các bệnh liên quan có thể giúp tinh trùng cải thiện được (tỉ lệ thành công 60% -70%). Người chồng có tinh trùng yếu cũng có thể nhờ thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng đã lọc rửa của người chồng vào buồng tử cung vợ, có tỉ lệ thành công là 10% -15%. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm có thể áp dụng cho mọi trường hợp vô sinh nam (trừ khi tinh hoàn không còn một con tinh trùng nào hết), với tỉ lệ thành công là khoảng 30%. Chi phí cho một ca mổ là khoảng 3-5 triệu đồng, cho một lần bơm tinh trùng là khoảng 1-2 triệu đồng, còn thụ tinh ống nghiệm khoảng 30 triệu đồng. Thuốc men hầu như không có hiệu quả trong vô sinh nam.