Học lớp 8 vẫn còn đái dầm

Con gái tôi đang học lớp 8, sức khỏe tốt, bệnh lý không có gì nhưng thỉnh thoảng cháu vẫn còn đái dầm ban đêm. Lúc nhỏ, bác sĩ nói cháu thần kinh yếu nên khi ngủ không điều khiển được việc tiểu tiện, khi lớn sẽ hết nay cháu đã lớn nhưng vẫn còn. Xin hỏi cách chữa trị? Tôi cũng từng cho cháu ăn và uống các loại thuốc nam nhưng vẫn không khỏi. N.T.T.D (Đồng Nai)

- Bác sĩ Nguyễn Thành Như, Bệnh viện Bình Dân TPHCM, trả lời: Đái dầm là chứng tiểu không tự chủ lúc ngủ, thường xảy ra ở trẻ em, nhưng 10% trẻ 5 tuổi và 1% trẻ 15 tuổi vẫn còn bị đái dầm. Cần phân biệt với “tiểu không kiểm soát”, nghĩa là dù ngủ hay thức gì người bệnh cũng đều bị “ướt” dầm dề.

Ở trẻ nhỏ, đái dầm thường tự khỏi. Tuyệt đối tránh la rầy, chọc ghẹo cháu vì làm tăng mặc cảm chỉ làm bệnh nặng thêm. Cháu có thể hết đái dầm bằng cách hạn chế uống nước buổi tối, không cho cháu uống nước trước khi đi ngủ 2 giờ, cho cháu đi tiểu ngay trước khi đi ngủ và đánh thức cháu dậy đi tiểu một lần lúc nửa đêm. Nếu tập như thế sau một tháng mà cháu vẫn còn đái dầm thì cháu có thể dùng thuốc tây như Tolterodine, Oxybutinin, Desmopressin mà liều lượng và cách dùng nhất thiết phải do bác sĩ chỉ định; nên tránh tự uống thuốc vì các thuốc trên thường có những tác dụng phụ không tốt đi kèm.

Nếu tình trạng đái dầm vẫn kéo dài sau các biện pháp trên, bạn nên đưa cháu đến khám ở chuyên khoa niệu để cháu được khám hệ thận-bàng quang, và làm các xét nghiệm về nước tiểu, siêu âm, X-quang, nội soi, niệu động học. Qua thăm khám và xét nghiệm chuyên khoa, bác sĩ có thể điều trị được các trường hợp khó.