Phải biết cách ăn thịt ba ba

Thịt ba ba có giá trị dinh dưỡng rất cao nên luôn là món ăn đắt tiền trong nhà hàng

Theo phân tích của các chuyên gia ở Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cứ trong 100 g thịt ba ba, ngoài khoảng 80 g nước thì còn có các vitamin (B1, B2, A) và i-ốt. Ngoài ra, còn khoảng 16,5 g protid; 1 g lipid và 1,6 g carbohydrat 107 mg canxi; 1,4 mg chất sắt; 3,7 mg axit nicotinic. Vì thế, có thể khẳng định thịt ba ba rất có giá trị đối với sức khỏe.

Ngoài giá trị dinh dưỡng, thịt ba ba còn là một vị thuốc quý, có tác dụng bồi bổ cơ thể và chữa nhiều bệnh. Thịt ba ba được đông y ghi nhận là thức ăn rất thích hợp cho người đái tháo đường, viêm thận, bệnh lao, viêm gan mãn tính, xơ gan. Nam giới gầy yếu, hay hoa mắt, chóng mặt, có cảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, gò má đỏ, vã mồ hôi trộm, di mộng tinh, miệng khát, họng khô, lưỡi đỏ... rất nên dùng thịt ba ba.

Tuy thế, khi ăn thịt ba ba phải lưu ý là chỉ ăn thịt những con còn sống, khỏe mạnh. Ba ba chết hoặc đã ươn thì nguy cơ gây ngộ độc rất lớn. Sở dĩ như vậy vì ba ba ăn xác động vật và các thức ăn thối rữa nên trong ruột có nhiều vi khuẩn gây bệnh sản sinh độc tố. Khi ba ba còn sống, vi khuẩn và độc tố của chúng bị đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa. Khi ba ba chết, vi khuẩn và độc tố trong ruột ba ba nảy nở rất mạnh và xâm nhập vào thịt ba ba.

Thời gian chết của ba ba càng lâu, vi khuẩn và độc tố của chúng xâm nhập thịt càng nhiều, nếu chúng ta ăn phải loại thịt này sẽ bị ngộ độc. Đặc biệt, trong thịt ba ba chết có histamin là chất độc sản sinh do sự phân hủy chất đạm bởi vi khuẩn trong quá trình ba ba chết. Đây là chất độc chịu được nhiệt độ cao nên dù thịt ba ba được đun nấu chín thì nguy cơ ngộ độc vẫn cao. Giá của ba ba không hề rẻ nên dù chết hay ươn thì nhiều nhà hàng, quán nhậu vẫn đưa vào chế biến mà thực khách thì không thể nào phân biệt được.

Để tránh ngộ độc, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các bà nội trợ là dù có rẻ mấy thì cũng đừng mua và chế biến thịt ba ba làm sẵn, ba ba đã chết và cả những con ốm yếu sắp chết. Khi mổ thịt không nên để vỡ mật dây vào thịt.

Thêm lưu ý nữa là những người chân tay thường lạnh hoặc đại tiện lỏng không nên dùng, không dùng phối hợp với rau cải, lá dâu, sò, ngao… Người có tiền sử xuất huyết dạ dày, đường ruột, phụ nữ rong kinh, rong huyết… cũng không nên dùng. Khi chế biến cần thêm gừng, tiêu.