An ninh học đường đang báo động

Trong ngày 29-3, nhiều bạn đọc gửi ý kiến tới tòa soạn bày tỏ lo ngại trước vụ việc học sinh giết bạn ở Trường THPT Hồng Bàng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai

Hành động có chủ đích


Qua thông tin báo chí, tôi được biết sau khi bị bắt, La Đức Hiến đã rất bình tĩnh và trả lời rành rọt từng câu hỏi của cơ quan điều tra rằng do thường xuyên bị em Lưu Thành Tú dọa đánh nên thủ sẵn dao để đâm. Việc trả lời của Hiến có đúng như diễn biến vụ việc đã xảy ra không? Vấn đề này sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Tuy nhiên, với cách trả lời khá bình tĩnh và rõ ràng như vậy cho thấy Hiến không hề có biểu hiện ăn năn, hối lỗi khi đã gây ra cái chết cho bạn cùng lớp.

Hành động của Hiến là có chủ đích và đã được tính toán từ trước (thủ sẵn dao trong người) nhằm tước đi sinh mạng của bạn mình. Dư luận căm phẫn hành vi vô nhân tính này. Nhất là việc đâm chết người xảy ra ngay trong trường học và khi cả nạn nhân, hung thủ đều là học sinh.

Đây là tội ác cần phải nghiêm trị. Tôi mong các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai nhanh chóng vào cuộc điều tra rõ, xử lý nghiêm hành vi của Hiến.

Nguyễn Bùi Ngọc Anh (TPHCM)

img
Ông Quýnh và bà Thủy (cha mẹ Hiến) thất thần suốt 3 ngày nay khi biết con mình đâm chết bạn Tú tại trường. Ảnh: KIM CƯƠNG


Cần giải pháp

tích cực


Thêm một sự việc đau lòng nữa xảy ra. Vụ việc lần này đã cướp đi sinh mạng của một học sinh ngoan hiền. Tú chết, gia đình mất đi người con hiếu thảo. Do nhà nghèo, mấy anh chị lo làm ăn, nên chỉ có Tú thường xuyên ở nhà phụ giúp ba mẹ. Hằng ngày Tú phải dậy sớm để chở vài cây đá rồi chẻ nhỏ để cha bán, sau đó mua đồ ăn sáng cho người cha bị tật nguyền.

Báo cáo tình hình vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh

Ngày 29-3, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT báo cáo tình hình vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh. Văn bản nêu rõ, giám đốc các sở GD-ĐT phải nhanh chóng chỉ đạo triển khai việc thống kê số lượng các vụ bạo lực, đánh nhau do học sinh địa phương gây ra trong năm học 2009-2010 (từ tháng 9-2009) đến nay, diễn biến sự việc và các hình thức đã xử lý; nhận định đánh giá về tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực của học sinh địa phương, nguyên nhân của tình trạng này cũng như các giải pháp, sáng kiến nhằm phòng ngừa từ xa, ngăn chặn kịp thời và xử lý có hiệu quả tình trạng bạo lực trong học sinh. Báo cáo phải được gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 15-4-2010.
Y.Anh

Chiều về em đánh xe chở nước lọc đi bỏ mối. Đôi khi còn phải lo chuyện vệ sinh cho cha. Một học sinh chịu thương chịu khó, ngoan hiền như vậy mà bị giết chết thật là oan uổng.


Cái chết của Tú đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường. Đã đến lúc các ngành chức năng cần có giải pháp tích cực để ngăn chặn nạn bạo lực học đường đang diễn ra.

Phạm Thị Hạnh (Quảng Nam)   


Thật là kinh khủng


Chỉ mâu thuẫn nhỏ trong lúc làm bài kiểm tra mà Hiến đã dùng compa đâm vào lưng Tú. Không dừng lại ở đó, Hiến tiếp tục dùng vỏ chai nước ngọt để đánh Tú trên xe buýt. Và sau cùng là dùng dao giết chết Tú.

Hành động giết người xảy ra giống như cảnh thanh toán nhau của đám xã hội đen. Thật là kinh khủng. Tôi không thể tin được hành vi giết người máu lạnh, dã man lại được một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường thực hiện.

Nếu như Tú và các bạn cùng lớp kịp thời thông báo mâu thuẫn giữa Tú với Hiến với ban giám hiệu nhà trường, thầy cô giáo và gia đình thì chắc vụ việc đau lòng này đã không xảy ra.


Sau cái chết của Tú cũng thấy được phần nào sự sa sút về lối sống, đạo đức của học sinh, thấy được trách nhiệm của những người liên quan. Bởi nguyên nhân vụ việc, cũng bắt nguồn từ việc giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội đã thiếu quan tâm, động viên và định hướng cho các em một cách tốt nhất.

Nguyễn Thiên Bửu (Bình Dương)

Tăng cường giáo dục đạo đức học sinh


Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ học sinh đánh nhau. Nguyên nhân do đâu? Cha mẹ mải mê công việc, không có thời gian để quan tâm đến con cái. Trong nhà trường chỉ lo tập trung chạy theo chương trình học quá nặng nề mà giảm nhẹ việc giáo dục đạo đức, thậm chí không hề có tham vấn về tâm sinh lý cho học sinh. Môn học đạo đức được đưa vào dạy từ lớp 3 chỉ để kiểm tra đánh giá một cách hình thức.

Khi tôi còn đi học, cứ một tuần thì có đội cờ đỏ và thầy giám thị kiểm tra đột xuất cặp sách của học sinh. Mời toàn bộ học sinh ra khỏi lớp, kiểm tra, nếu ai mang theo những thứ như: dao, kéo... là bị mời lên văn phòng kiểm điểm, hạ đạo đức, mời phụ huynh phối hợp giáo dục con em. Nếu học sinh vi phạm nặng sẽ bị kỷ luật.

NGUYỄN XUÂN HƯNG (Đồng Nai)


Lỗ hổng

Trước khi sự việc xảy ra vài ngày, Hiến đã dùng compa đâm vào lưng và dùng chai nước ngọt đập vào đầu Tú. Nếu như các bạn cùng lớp kịp thời thông báo mâu thuẫn giữa Tú và Hiến với thầy cô giáo hoặc giám thị thì chắc gì chuyện đau lòng này đã không xảy ra.

Qua vụ học sinh giết bạn, chúng ta thấy được sự sa sút về đạo đức của học sinh và nhiều lỗ hổng trong quản lý. Cụ thể là sự thiếu trách nhiệm của bạn bè, sự yếu kém của đoàn thanh niên trong nhà trường và trách nhiệm của những người liên quan.

Tôi cũng là người có con đi học, con tôi lành tính quá và không tham gia đàn đúm chia bè, chia phái nên thường xuyên bị bắt nạt. Nhiều hôm cháu đi học phải bỏ về và rơi nước mắt vì bị bạn đối xử nhục mạ. An ninh học đường như vậy, tôi phải làm thế nào bây giờ?

BÙI THANH VÂN (TPHCM)


Khởi tố vụ án, khởi tố bị can

 

Sáng 29-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người xảy ra tại Trường THPT Hồng Bàng (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) và khởi tố bị can đối với La Đức Hiến với tội danh giết người.


Thượng tá Phan Văn Cầm, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết theo lời khai của Hiến tại cơ quan điều tra thì Hiến và Lưu Thành Tú thường xuyên đánh nhau. Gần đây nhất là vào ngày 26-3, do bị Tú đánh bầm nhiều nơi trên người nên Hiến bỏ đi đá bóng.

Đến sân bóng thì Hiến gặp một người dân tộc, có con dao dài khoảng 20 cm rất đẹp và sắc nên xin. Sau đó Hiến mang dao vào lớp với mục đích hù Tú. Bất ngờ khi vừa tan học môn Anh văn, Tú kẹp cổ đánh vào đầu Hiến nên Hiến đã rút dao đâm Tú một nhát. Không ngờ trúng chỗ hiểm, Tú tử vong.

Trong ngày 29-3, đông đảo học sinh, giáo viên Trường THPT Hồng Bàng tiếp tục đến chia buồn với gia đình Tú. Ông Lưu Thành Châu (53 tuổi, cha của Tú) nói: Vụ việc đã lỡ xảy ra, chúng tôi không oán trách gia đình và bản thân Hiến. Chúng tôi buồn là vì môi trường sư phạm đã không bình yên và tội phạm tuổi nhỏ có thể bột phát bất cứ lúc nào. Nay mất con rồi, vợ chồng tôi thiếu mất một niềm an ủi tuổi già cũng như một lao động chính trong gia đình.


Mấy ngày nay, ông La Văn Quýnh (53 tuổi, cha của Hiến) và bà Ngô Thị Thanh Thủy (41 tuổi, mẹ của Hiến) thường xuyên qua lại để chia buồn, thăm viếng gia đình của Lưu Thành Tú. Bà Thủy  đau khổ: “Tiếc là mọi việc không ai biết để có thể ngăn chặn được từ đầu. Con tôi dại quá, tôi  cũng đã sai vì không theo sát việc học cũng như mối quan hệ của cháu để phát hiện kịp thời. Đau đớn quá, một đứa bị mất, đứa còn lại mới 16 tuổi đầu phải chịu tội danh giết người, là quá mức chịu đựng của cháu ”.


Ông La Văn Quýnh vẫn chưa hết bàng hoàng, bất ngờ về hành vi côn đồ bột phát của con mình. Ông Quýnh nói: “Ở nhà với cha mẹ, Hiến là đứa con ngoan, hiền. Tuy học hành không giỏi nhưng lúc nào cũng nỗ lực học tập và phụ giúp việc ruộng đồng với mẹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây chúng tôi cũng chủ quan, thiếu quan tâm sâu sát để tìm hiểu. Xảy ra cớ sự này trách nhiệm của gia đình quá lớn”.

Kim Cương