Làm phiên dịch khổ vì sử dụng tiếng Việt sai

(NLĐO)- Tôi làm nghề phiên dịch. Rất nhiều lần trong quá trình làm việc tôi đã gặp phải những "sự cố" về việc sử dụng từ ngữ không đúng, nghĩa là nói hay viết một đàng mà phải hiểu một nẻo.

Ví dụ như trong ngành xây dựng, người ta hay dùng chữ "tiến độ" mà khi dịch sang tiếng Anh, với ngữ cảnh và ý nghĩa thực của nó, phải dịch là "schedule" thay vì "progress" vì tôi hiểu người nói muốn diễn tả cái ý "kế hoạch về tiến độ"…

Và còn nhiều ví dụ khác nữa. Bên cạnh đó, tôi thấy nhiều người sử dụng ngoại ngữ không đúng, gây khó chịu cho người đọc, ví dụ như từ "tuýp" người, thay vì "típ" người, vì đây là một từ gốc tiếng Pháp(type)nên phải phiên âm là "típ" mới đúng, còn nếu nói "tuýp" thì nó lại là cái ống(tube)như trong "bóng đèn tuýp" chẳng hạn.

Chữ U trong ngữ cảnh như "qúy ông U-50" thì phải hiểu là "Under", nghĩa là dưới 50, thế mà nhiều người cứ dùng với cái nghĩa (chắc là) "trên dưới 50"…

Từ "tăng bo" rất hay được qúy vị lái xe, lơ xe sử dụng với cái nghĩa (áng chừng) là "thay thế" hoặc "thay người" mà chẳng hề quan tâm đến xuất xứ của nó là gì. Theo tôi thì nó là "temp mort" nghĩa là "thời gian chết" theo tiếng Pháp, chỉ khoảng thời gian nghỉ giữa 2 hiệp thi đấu trong môn bóng đá chẳng hạn, khi đó thì có thể có sự thay đổi cầu thủ hay gì đó (xin chờ nghe cao kiến)…

Và còn nhiều ví dụ khác nữa. Tôi rất thích cái diễn đàn này, vì hàng ngày tôi cứ phải cố gắng diễn dịch cho đúng nhiều chữ mà người ta sử dụng một cách thiếu cẩn thận.