Nên hợp pháp hóa hoạt động của các “hiệp sĩ”

Cả nước hiện có khoảng 700 mô hình quần chúng phòng chống tội phạm với hàng ngàn “hiệp sĩ”. Bao góc phố, đường làng bình yên vì có họ. Nhưng điều bất ngờ là nhiều hoạt động của “hiệp sĩ” lại gần như bất hợp pháp.

Tôi rất xúc động bởi hành động mưu trí, dũng cảm và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng  của các “hiệp sĩ”. Họ là tấm gương sáng cần được biểu dương nhân rộng. Tuy nhiên, việc làm của các “hiệp sĩ” lại mang tính tự phát, nên khi xảy ra tai nạn như “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh (ở Bình Dương)  rất khó đề xuất chế độ chính sách bởi trong quy định của Nhà nước chưa hề có tiền lệ.
 
Tôi kiến nghị chính quyền các cấp nên tập hợp các “hiệp sĩ” vào một  tổ chức để họ được hoạt động hợp pháp như “thanh niên tình nguyện”, “bảo vệ đường phố”... chẳng hạn. Khi các “hiệp sĩ” được hoạt động trong một tổ chức hợp pháp, chính quyền nên hỗ trợ họ xăng xe hoặc vận động các nhà hảo tâm lập quỹ “phòng chống trộm cướp” vì đó là lợi ích của cả cộng đồng. Người góp công, kẻ góp của cùng nhau bảo vệ bình an đường phố, xóm ấp. Ngoài ra, nên có các lớp tập huấn kỹ năng để giúp các “hiệp sĩ” hạn chế rủi ro khi làm nhiệm vụ. Trường hợp  các “hiệp sĩ” chẳng may bị tai nạn, khi đã ở trong một tổ chức hợp pháp thì việc đề xuất “chế độ chính sách” cũng sẽ thuận lợi hơn.