Tôi cần biết có bao nhiêu cống tử thần ở TPHCM

(NLĐO)- Không ai trong chúng ta lại không thấy đau lòng trước hình ảnh cháu bé con chị Hà Thị Tuyết Mai khóc nghẹn khi tận mắt chứng kiến cái chết của mẹ mình. Cách đây hơn 2 năm cái cống vô tình này cũng đã gây ra tai nạn làm chết một người đàn ông. Nhưng như bao vụ việc chết người vì điện giật, lọt hố, té hồ…khác, tôi biết nó cũng sẽ rơi vào thinh không sau một khoảng thời gian báo chí lên tiếng.

Chính vì vậy tôi-như bao người dân khác-cần được biết có cả thảy bao nhiêu cống có thể gây chết người, cụ thể ở vị trí nào để mà né tránh.
 
img
 
Con của chị Hà Thị Tuyết Mai khóc nghẹn trên tay của một người đi đường khi chứng kiến cảnh mẹ mình chết

Tôi thật sự lo lắng khi các kỹ sư thiết kế lại có thể tạo mẫu để miệng của cống lại thò ra đường quá nhiều như thế. Anh kỹ sư nọ dốt hay có ý tưởng gì cao siêu thì không biết nhưng không hiểu sao là những bản vẽ thiết kế siêu ý tưởng này lên cửa này, cấp nọ vẫn được thông qua như thường. 
 
Rồi thì nghiệm thu công trình, thực địa của các quan chức ở đâu mà để xảy ra tình trạng giết người kiểu này. Liệu cái ý tưởng xây cống cao như vậy chỉ được áp dụng đặc biệt ở quận Thủ Đức hay cũng được áp dụng tại quận X, quận Y nào nữa?
  
Sau cái chết thương tâm của chị Hà Thị Tuyết Mai, lại tiếp đến cái chết của ông Vũ Hồng Thái (53 tuổi) vào ngày 10-10. Ông Thái lọt cống, bị nước cuốn trôi ở đường Tô Ngọc Vân, đoạn giao cắt với tuyến đường sắt Bắc-Nam.
 
img
 
Anh Rép - người lao xuống dòng nước kiếm thi thể anh Thái- kể lại sự việc bên miệng cống tử thần gây ra cái chết của anh Thái. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC (Pháp Luật TPHCM)
 
Đường bị ngập sâu lại không có biển cảnh báo hay rào chắn nào cảnh báo về cái cống lộ thiên này đã làm cho rất  nhiều người bị nạn trước đó. Một người quen đi tuyến đường này như ông Thái mà còn bị nước cuốn trôi khi nước ngập thì một em nhỏ hay khách lạ như tôi đi đoạn đường này thì càng không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
 
Chưa ai lên tiếng nhận trách nhiệm về việc để xảy ra chết người vì  thiết kế, thi công, giám sát ẩu tại các công trình ở TP ta. Hiện giờ các ngành, các cấp đang ngồi bàn cãi xem cái cống gây chết người này là thuộc trách nhiệm quản lý của ai, vì không ai ngó mắt đến nó bấy lâu nay. Né trách nhiệm là chuyện thường ngày ở …thành phố to nhất nước này. Rồi cũng chỉ rút kinh nghiệm sâu sắc như các lần trước, cũng huề cả làng vì có con kiến nào lại mất công sức đi kiện củ khoai.
 
Khơi gợi nỗi đau là điều không nên làm khi mất mát và đau thương đã xảy ra. Nhưng theo tôi nghĩ cần thiết nên kiện những vị quan chức này ra tòa vì để xảy ra liên tiếp nhiều cái chết quá thương tâm và vô lý. Kiện để đòi những mất mát về tinh thần, về niềm tin của người dân, để thức tỉnh lương tâm và trách nhiệm của các ngành. Không thể cứ cho các công chức "lớn" nợ mãi một đồng trách nhiệm với một thành phố luôn phấn đấu cho sự văn minh, hiện đại.  
 
                         Trách nhiệm: Nơi này chỉ nơi nọ
 
Liên quan đến “cái bẫy cống” gây tai nạn đã nêu có sự liên quan của nhiều đơn vị chức năng như: Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP (Trung tâm chống ngập), Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn…
 
Đại diện các đơn vị trên đã nói gì?
 
Đây là sự cố đáng tiếc. Ngày 11-10, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm chống ngập kiểm tra hiện trường để xác định xem tuyến cống này thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị nào. Về việc đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa, chúng tôi đã được Sở GTVT yêu cầu kiểm tra, có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, trách nhiệm đối với những sự cố như trên không phải của Khu Quản lý giao thông đô thị số 2.
 
Ông LÊ NGỌC HÙNG, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông
đô thị số 2, được giao quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị địa bàn quận Thủ Đức
 
Vị trí cống cách đường sắt độ chỉ 1 m, rất có nhiều khả năng nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt. Tuy nhiên, Trung tâm chống ngập cũng đang rà soát lại pháp lý để xem miệng cống này thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị nào.
 
Ông ĐỖ TẤN LONG, Trưởng phòng Quản lý thoát nước
thuộc Trung tâm chống ngập TP
 
Chúng tôi mới chỉ nghe báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn. Về vụ tai nạn xảy ra ở “miệng cống chết người” nằm sát mép đường sắt có thuộc phạm vi hành lang an toàn đường sắt hay không thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và thông báo sau.
 
Ông LÊ HỒNG PHÚC, Phó Giám đốc Công ty Đường sắt Sài Gòn
 
Chúng tôi đã có trồng cột để cảnh báo rồi xây tấm đan trên miệng cống. Tuy nhiên do mưa lớn quá, nước còn ngập cả gác chắn luôn mà chứ trách nhiệm quản lý cống này là do bên đường bộ.
 
Ông TRẦN KIM CHI,
Cung trưởng chắn Thuận An, quản lý gác chắn Tô Ngọc Vân
 
(Theo Pháp Luật TPHCM)