Tôi háo hức đi đón quân giải phóng ...
(NLĐO)- Gia đình tôi trước kia cư ngụ tại Xóm Chiếu, Khánh Hội, quận 4, Sài Gòn. Những ngày cuối tháng tư của năm 1975, và khoảng thời gian vài tháng liền kề là những ngày đầy ắp kỷ niệm mà suốt cả cuộc đời tôi không bao giờ quên được.
Ngày đó, tôi - một thằng bé gần tròn mười lăm tuổi, lứa tuổi đủ để có những suy tư và cảm nhận về những biến cố xảy ra chung quanh mình. Khi hay tin đoàn quân giải phóng sắp vào Sài Gòn, mọi người sống trong bầu khí hoang mang và hết sức hỗn loạn, bởi có tin đồn: “Việt Cộng mà vào thì Sài Gòn sẽ bị tắm máu”. Rất nhiều người sợ phát khiếp, sợ đến độ bỏ cả của cải, nhà cửa, xô nhau ùa tràn vào cảng Sài Gòn để được xuống tàu ra đi khỏi xứ. Khắp đường phố khi ấy tràn ngập người và đủ thứ tài sản mà người ta quăng lại vương vãi, cả những người lính cộng hòa thất trận bỏ chạy cũng vội vã quăng hết quân trang, quân cụ để biến mình thành thường dân.
Cha mẹ tôi quyết định ở lại với quê hương, mặc dù có những người quen đến rủ rê xuống tàu, lý do vì muốn hội ngộ với những người thân ruột thịt còn ở tận ngoài phương Bắc xa xôi. Trong những ngày u ám ấy, tôi thường ra bến tàu xem cảnh người ta chen chúc nhau ra đi, lòng buồn vô hạn, dù sao tôi cũng đã phải chia tay những đứa bạn thân ở nơi đây.
Thế rồi ngày trọng đại cũng đến, quá trưa ngày 30-4 đoàn quân giải phóng tiến vô Sài Gòn giữa một rừng cờ đỏ sao vàng của hai hàng người dân túa ra chào đón. Tôi cũng chạy ra đường Trịnh Minh Thế, trên tay có một lá cờ nhỏ mà mẹ tôi đã may sẵn và ráng chen vô dòng người, vẫy vẫy với tất cả háo hức của một đứa trẻ trước sự kiện lạ lùng mà vô cùng quan trọng của đất nước.
Đón quân giải phóng vào giải phóng Sài Gòn năm 1975 (Ảnh Internet)
Rồi những chú bộ đội xin vào ở trong nhà dân, khu xóm đầy những sắc áo lính mới. Sự tiếp xúc thân mật giữa quân và dân đã xóa đi những lời đồn hoang tưởng về tính cách của người lính giải phóng. Tôi âm thầm quan sát cách sinh hoạt của mấy chú, cảm thấy sao bộ đội hiền quá, đáng mến quá, có gì đâu mà phải sợ!
Thế là một sợi dây thân ái đã được hình thành một cách tự nhiên giữa người dân xóm và các anh giải phóng. Tôi vẫn nhớ, mình thường đem những món ăn ngon mà mẹ nấu “đi tiếp tế” vì thấy bữa ăn của các chú ít thịt cá. Những buổi tối được sinh hoạt cùng các chú bộ đội thật là vui hết biết, tôi được tham gia trong nhóm thiếu nhi Tiền Phong, được ca hát nhảy múa, được học hỏi nhiều điều hay lạ. Tôi thấy mình trưởng thành hơn từ những ngày vui chơi ấy.
Điều bất ngờ nhất đối với gia đình tôi, là trong số các chú bộ đội trú gần nhà, ba mẹ tôi đã dò tìm ra được một người cháu, mà ngày di cư vào Nam anh ấy chưa ra đời. Buổi hạnh ngộ, cả nhà tôi đầm đìa nước mắt vì hạnh phúc khi những người thân yêu chợt nhận ra nhau. Tôi cũng khóc theo dòng cảm xúc của ba mẹ, mặc dù khi ấy chưa biết ngoài Bắc và bà con nội ngoại là thế nào. Thế là quyết định ở lại với quê hương đã làm thỏa mãn khát vọng của ba mẹ tôi.
Sau đó, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền cách mạng, gia đình tôi rời bỏ Sài Gòn để đi làm kinh tế mới tại một xã thuộc tỉnh Đồng Nai (nay thuộc tỉnh BR-VT). Tôi xa nơi tuổi thơ chan hòa nỗi nhớ một mạch liền khoảng 5 năm, mãi đến năm 20 tuổi tôi mới có dịp quay lại thành phố thân yêu này.
Ngày đầu tiên đặt chân lại trên đường phố Sài Gòn, trong lòng tôi quá đỗi bồi hồi cảm xúc. Đứng chết lặng trước ngôi trường trung học Nguyễn Trãi, nơi mà tôi đã theo học bốn năm liền cho tới ngày rời xa. Dưới chân tượng danh nhân mà trường tôi được vinh hạnh mang tên người, ở đây tôi nhớ lại thầy cô và bè bạn, nhớ thật da diết, nhớ tột cùng. Rảo bước ra đường, nhìn sang bên kia là cảng Sài Gòn đấy! Trong tôi bỗng sống lại kỉ niệm của bầu không khí chiến thắng năm nào: Ngày ấy, dọc theo con đường này, tôi hòa vào dòng người đi đón đoàn quân giải phóng đây mà.
Đi mon men suốt chiều dài bờ tường cảng Sài Gòn trong buổi chiều với nỗi trầm mặc, bâng khuâng. Lòng hồi tưởng nơi đây một thời đã từng là bến chia ly, tôi đã vĩnh viễn mất những đứa bạn và vài người thân khi con tàu mang họ ra đi vào lòng biển cả. Không thể tả hết được cõi lòng xốn xang của người xa xứ nay có dịp quay về, tôi đã ngồi hằng mấy tiếng nơi bến Bạch Đằng, chỉ ngồi lặng câm một mình để tâm hồn được tự do phiêu lãng tìm về lại những ngày tháng khi ấu thơ.
Sau đó, tôi có nhiều dịp về thành phố mang tên bác Hồ, về thường xuyên hơn vì công việc. Vui mừng khi mắt chứng kiến cảnh thay da đổi thịt của chốn xưa. Những tòa cao ốc, những khách sạn sang trọng được thiết kế thật tuyệt vời. Những con đường nay rộng rãi, khang trang hơn, đẹp xinh hơn với những hàng cây cảnh làm tăng lên nét duyên.
Mọi sự đổi thay nhiều quá! Ở bến sông năm nào, chốn ấy trước là nơi chứa và cấp xăng dầu cho tàu thuyền, thì nay là bến Nhà Rồng. Bến Bạch Đằng giờ sạch đẹp và an ninh hơn, người ra vô thư giãn thật nhàn nhã… Nhưng dù dòng thời gian có làm cho vật đổi sao dời, thì những hoài niệm thuở ấu thời vẫn không hề phai nhạt trong tâm trí tôi.
Thấm thoát thế mà đã 35 năm, từ một thằng nhóc lon ton cầm cờ đỏ sao vàng đi đón bộ đội, nay tôi đã thành một người trung niên với sự nghiệp đã ổn định. Song bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần về lại Sài Gòn, tôi thế nào cũng phải dong xe chạy một vòng qua những con đường xưa cũ: Đường Tôn Thất Thuyết có ngôi trường tiểu học, suốt năm năm tôi đã đều đặn ra vào nơi ấy; đường Nguyễn Tất Thành với trường Nguyễn Trãi thân thương; đường Tôn Đản, nơi có ngôi nhà của cô giáo tôi yêu kính nhất hồi tiểu học. Rồi cầu Tân Thuận, chợ Xóm Chiếu, bến đò Thủ Thiêm, tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo uy nghi…
Tôi đi trong hồi ức, đi trong niềm rung động tự đáy lòng mình, đi để được ngoảnh mặt nhìn lại tuổi thơ. Đường phố Sài Gòn vốn náo nhiệt, thế mà mỗi lần được đi như thế, tôi nghe tâm hồn mình thanh thản đến lạ lùng, tự dưng tôi thấy mình nhỏ bé lại như cái ngày nào.
Dù nay không còn được sống tại Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh nữa, nhưng tôi vẫn cứ tự hào vì mình đã từng là thị dân có một phần quãng đời trong nơi ấy, và còn hãnh diện là người công dân được đón giải phóng quân vào thành đô trong biến cố của lịch sử ngày 30-4-1975.