Tôi suýt chết ngày 30-4 năm ấy...
(NLĐO)- Ngày thành phố chưa giải phóng tôi vẫn còn là một chú nhóc. Mới 13, 14 tuổi tôi đã thấy “…Những cánh đồng quê ứa máu. Dây thép gai đâm nát trời chiều”. Chiến tranh đã phủ lên bầu trời tuổi thơ như một màu xám đen tối, buồn bã và nỗi sợ hãi phập phồng, lửng lơ.
Ngày ấy thành phố lúc nào cũng ngập tràn sắc áo rằn ri và những người lính Mỹ viễn chinh. Hàng ngày đường phố Sài Gòn luôn rầm rập những chiếc xe nhà binh gầm rú inh ỏi chở đầy lính tráng, súng ống đạn dược lùa ra khắp các chiến trường.
Thỉnh thoảng lại nghe đâu đó có người bị xe nhà binh Mỹ cán chết. Xe nhà binh với những ông tài xế mắt xanh mũi lõ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cởi trần phóng bạt mạng trên đường phố đã trở thành hung thần với tất cả người dân đô thị. Mỗi ngày trước khi anh em tôi đi học, mẹ tôi đều dặn đi dặn lại như đọc kinh nhật tụng “Nhớ đi sát vào trên lề đường. Coi chừng xe Mỹ đó!”.
Chiến tranh trong mắt những đứa trẻ như tôi, ở đâu đó rất xa, nhưng hàng đêm nó vẫn nhắc nhở sự hiện diện chết chóc của mình, vẫn đe dọa giấc ngủ trẻ thơ bằng những tiếng giày đinh nện trên mặt đường, bằng những tiếng đạn bom từ một nơi nào đó vọng về: “Đại bác đêm đêm vọng về thành phố. Người phu quét đường dựng chổi đứng nghe”.
Mỗi ngày chúng tôi lớn lên một ít, tóc mẹ lại bạc thêm rất nhiều, không phải vì thời gian chồng chất lên tuổi đời mà vì muộn phiền lo lắng: “Vài năm nữa thằng Hưng (anh lớn của tôi) lại phải đi quân dịch rồi!”. Những lúc như thế, tôi bá cổ mẹ và an ủi – Mẹ lo gì cho mệt, đến lúc tụi con lớn lên thì đất nước hết chiến tranh rồi còn gì.
Trên đường chúng tôi đi học, quán rượu, quán bar mọc lên như nấm, lúc nào cũng đầy ắp lính ngụy, lính Mỹ. Họ đến đó tìm sự khuây khỏa, quên đi nỗi sợ hãi chết chóc trước lúc hành quân, hoặc ăn mừng vì đã may mắn sống sót trở về.
Lớn lên một chút khi bắt đầu học trung học, tôi lại chứng kiến những cảnh xuống đường, biểu tình đốt xe Mỹ của các anh chị sinh viên và người dân thành phố. Cả thành phố sôi sục trong không khí đấu tranh. Ở trong lớp, những giờ lịch sử khi giảng về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, tiếng của người thầy giáo già như có lửa hơn.
Những ngày tháng 4, tiếng súng vọng về thành phố mỗi đêm mỗi dồn dập và gần hơn cùng lúc với những tin tức chiến sự về sự thất trận của quân đội Sài Gòn trên khắp mọi nơi. Tôi thấy những khuôn mặt người dân thành phố khấp khởi chờ đợi một điều gì đó.
Quân giải phóng tiến vào chiềm dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975. (Ảnh: Internet)
Thế rồi cái ngày mong đợi ấy cũng đã đến. Sáng 30 tháng 4 những chiếc xe tăng T54 và những người lính giải phóng đã có mặt ở trước xóm tôi. Trong lúc người lớn còn đang e dè, ngần ngại thì lũ nhóc đã chạy ra vây lấy các anh bộ đội hỏi han, chuyện trò ríu rít. Những người lính giải phóng chỉ 18, 20 gầy gò, xanh xao nhưng rất vui tính.
Dọc các đường phố, lính ngụy tháo chạy, bỏ đầy đường súng ống, quần áo. Có tiếng đứa trẻ nào tinh nghịch mách: “Lính ngụy đó chú!”. Các anh chỉ mỉm cười: “Kệ họ, bây giờ họ cũng là dân mình cả”. Rồi quay sang chúng tôi anh bảo: “Các cháu về đi, tình hình chưa yên hẳn đâu, ở đây nguy hiểm lắm”.
Bình thường bọn nhóc cũng cứng đầu khó bảo lắm, chẳng hiểu sao lần này cả đám lại nghe lời các anh. Nhờ vậy mà chúng tôi sống sót, vì khi vừa bước chân về đến cổng nhà, một chiếc F5 trên đường tháo chạy đã trút hết số bom còn lại xuống ngay chỗ chúng tôi vừa nói chuyện với các anh.
Những người lính giải phóng ngã xuống cùng với hàng chục ngôi nhà sụp đổ tan tành, hàng chục người dân vô tội chết oan; khi chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ nữa chiếc T54 đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn thành phố.
Các anh nằm xuống giữa tuổi thanh xuân, bỏ lại sau lưng gia đình, người thân, bạn bè đồng đội và cả giấc mơ trở lại giảng đường đại học khi đất nước hết chiến tranh. Đồng đội đưa các anh về yên nghỉ ở một gò đất cao (phía sau cái xóm nhỏ của tôi) trên cánh đồng hàng ngày lũ trẻ chúng tôi vẫn ra thả diều, bắt dế.
Chiến tranh kết thúc đã lâu. 35 năm qua chúng tôi lớn lên bình yên, không còn thắc thỏm lo sợ, đạn bom chết chóc. Với riêng tôi, mỗi năm đến ngày 30 tháng 4, tôi lại nhớ đến các anh – những người chiến sĩ giải phóng đã nằm xuống ngay trên mảnh đất xóm tôi. Các anh nằm xuống để thế hệ chúng tôi có ngày hôm nay, để thành phố bình yên bay lên trên những tầm cao mới.