Bảng giá đất 2006 tại TPHCM: Vẫn còn bất hợp lý?

Đường loại 10 có giá đất dưới 10% của đường loại 1. Giá đất hẻm đô thị và trồng cây lâu năm cũng được điều chỉnh. Giá đất một số tuyến đường vẫn không phù hợp thực tế

Hôm qua, 1-1-2006, bảng giá đất mới năm 2006, do UBND TPHCM ban hành (theo Quyết định số 227/2005/QĐ-UB quy định về giá các loại đất trên địa bàn TP) bắt đầu có hiệu lực trên toàn địa bàn TPHCM.

387 tuyến đường mới đã có giá!

Theo Sở Tài chính TPHCM, bảng giá đất 2006 sẽ giữ lại mức giá của 1.671 tuyến đường (theo bảng giá đất công bố ngày 1-1-2005), điều chỉnh giá 65 tuyến đường và bổ sung giá đất cho 387 tuyến đường mới hình thành trong năm 2005 tại 14 quận – huyện, như các tuyến đường nội bộ trong các khu dân cư, cư xá... của các doanh nghiệp kinh doanh nhà đất. Ví dụ: Đường nội bộ trong khu dân cư của Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (quận 7) có giá 2,4 triệu đồng/m2; đường 20 KP4, đường 23 phường Bình Trưng Tây, ven sông Sài Gòn... (quận 2) có giá 900.000 đồng/m2.

Các đường nội bộ chung cư, cư xá, khu dân cư mới đã có giá đất. Trong ảnh: Đường nội bộ cư xá Vĩnh Hội, P.6, Q.4 có giá 3,2 triệu đồng/m2Bảng giá đất ở đô thị và nông thôn được phân thành loại đường phố, loại đường và đất trong hẻm. Việc phân loại đường phố căn cứ ba tiêu chí: khả năng sinh lợi; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch; khoảng cách đến trung tâm TP, trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch. Đường được phân thành 10 loại. Đường loại 1 có đủ 3 tiêu chí trên. Điển hình, đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi có giá đất cao nhất TP, với 43 triệu đồng/m2. Đường loại 10 có giá dưới 10% giá đất của đường loại 1.

Đáng chú ý, hai vấn đề được bạn đọc Báo Người Lao Động quan tâm trong thời gian qua là giá đất hẻm đô thị và trồng cây lâu năm cũng được điều chỉnh. Cụ thể, đối với giá đất hẻm được trải nhựa hoặc bê tông, xi măng sẽ áp dụng như sau: Vị trí 1: hẻm có chiều rộng lớn hơn 5 m; vị trí 2: hẻm có chiều rộng từ 3 m – 5 m; vị trí 3: hẻm có chiều rộng từ 2 m đến dưới 3 m; vị trí 4: hẻm có chiều rộng dưới 2 m. Nếu là hẻm đất thì được tính bằng 0,8 lần so với mức giá của hẻm trải nhựa hoặc bê tông, xi măng của cùng loại hẻm. Mức giá đất trồng cây lâu năm cũng được chia thành 5 hạng và được xác định từ 21.000 đồng đến 105.000 đồng/m2 tùy theo khu vực. Theo Sở Tài chính TP, sự điều chỉnh này để phù hợp hơn giữa giá đất trồng cây lâu năm và giá đất trồng cây hằng năm. Từ đó tạo ra sự hợp lý khi người dân đóng tiền sử dụng đất cũng như khi giải tỏa đền bù đối với những dự án có thu hồi đất.

Đất quận 2 tiếp tục “thua” quận 7, 9!

Cần nhắc lại, khi TP đưa vào áp dụng bảng giá đất mới vào đầu năm 2005 đã phát sinh những bất hợp lý, như giá đất một số tuyến đường không phù hợp thực tế, gây nhiều thắc mắc cho người dân. Nay bảng giá đất mới dù có điều chỉnh, song vẫn còn chênh lệch khá xa so với thực tế, thậm chí những bất hợp lý về giá đất tại một số địa phương đã được dư luận lên tiếng nay vẫn không thay đổi. Đáng chú ý, tại quận 1 - địa phương có giá chuyển nhượng nhà đất cao nhất TP, ngoài đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã 6 Phù Đổng đến Cống Quỳnh) giá đất được tăng thêm 1 triệu đồng/m2 (giá cũ: 15 triệu đồng/m2, giá mới: 16 triệu đồng/m2), thì giá những tuyến đường cận kề “vũ như cẩn”. Ví dụ: đường Lý Tự Trọng (từ Ngã 6 Phù Đổng đến Hai Bà Trưng) vẫn giữ giá 25,7 triệu đồng/m2. Hoặc Cống Quỳnh, được xem là con đường kinh doanh lý tưởng, với nhiều siêu thị, cửa hàng buôn bán... lại vẫn ở mức giá 12,4 triệu đồng/m2!. “Tiếc nhất” có lẽ là quận 2 – một trung tâm đô thị mới trong tương lai gần, được giới chuyên gia địa ốc đánh giá có tiềm năng về nhà đất nhất nhì TP, lại tiếp tục xếp sau quận 7, 9... (!?). Trong khi giá đất chuyển nhượng thực tế tại hai con đường chính của quận 2 là Trần Não, Lương Định Của trên dưới 20 triệu đồng thì khung giá đất mới chỉ ghi từ 2,8 triệu đồng đến 3,6 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh (quận 7) có giá 5,3 triệu đồng/m2; Thậm chí còn thua xa con đường nối Lê Văn Lương với Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), giá 4,6 triệu đồng!...  

Để xem chi tiết toàn bộ bảng giá đất 2006 tại 24 quận – huyện trên địa bàn TPHCM, mời bạn đọc truy cập Báo Người Lao Động điện tử: www.nld.com.vn

Giá đất mới áp dụng cho 7 trường hợp

1/ Căn cứ để tính thuế sử dụng đất (SDĐ) và chuyển quyền SDĐ. 2/ Tính tiền SDĐ và tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền SDĐ hoặc đấu thầu dự án có SDĐ. 3/ Tính giá trị quyền SDĐ khi giao đất không thu tiền SDĐ. 4/ Xác định giá trị quyền SDĐ để tính vào giá trị tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa, lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền SDĐ. 5/ Tính giá trị quyền SDĐ để thu lệ phí trước bạ chuyển quyền SDĐ. 6/ Tính giá trị quyền SDĐ để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế. 7/ Tính tiền bồi thường và mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước.

Trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền SDĐ hoặc đấu thầu dự án có SDĐ thì mức giá khởi điểm quyền SDĐ không được thấp hơn mức giá đất theo quy định này.

Quy định này không áp dụng đối với trường hợp người có quyền SDĐ thỏa thuận về giá đất khi thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền SDĐ, góp vốn bằng quyền SDĐ...

M.N