Bến xe ít khách, đường thông thoáng

Ngày 17-2, lượng khách về các bến xe tại Hà Nội không nhiều, giao thông khá thuận lợi l Các tuyến đường từ miền Tây về TPHCM xe đông đúc nhưng đường khá thông thoáng

Tại Bến xe Mỹ Đình, bến xe phía Tây của Hà Nội, nơi sẽ đón lượng khách từ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Thái Nguyên... trở lại thủ đô sau Tết, không quá đông. Nơi đây không có cảnh ùn tắc giao thông. Tại bến xe lớn nhất Hà Nội - Bến xe Giáp Bát nằm ở phía Nam TP, lượng khách trở lại Hà Nội cũng bình thường. Thậm chí, nhiều xe khách chạy tuyến ngắn từ Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình còn trống khá nhiều ghế khi vào bến.

img
Bến xe Mỹ Đình - Hà Nội vẫn khá thông thoáng dù đây là thời điểm
người dân nghỉ Tết từ các tỉnh trở về Hà Nội. Ảnh: VĂN DUẨN

Xe ít khách, giá vẫn cao

Trên tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32 - các cửa ngõ vào TP Hà Nội, phải từ 15 giờ ngày 17-2, lượng xe khách, xe máy mới đổ về Hà Nội với lưu lượng lớn. Một số nơi đã diễn ra tình trạng ùn tắc cục bộ, lực lượng CSGT đã có mặt kịp thời và điều tiết giao thông trở lại bình thường.

Theo phản ánh của hành khách ở các bến xe tại Hà Nội, năm nay những tuyến xe khách có cự ly ngắn như từ Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định về Hà Nội sau Tết, giá vé tăng không nhiều, chỉ từ 30%-50% so với trước Tết. Tuy nhiên, những hành khách đi tuyến xa như từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh phản ánh đã bị nhà xe “chặt chém” với giá vé cao gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Lê Thị Mai,  sinh viên Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cho biết: “Bình thường, em đi từ Diễn Châu (Nghệ An) ra Hà Nội chỉ hết 130.000 -150.000 đồng nhưng hôm nay chủ xe buộc phải trả 400.000 đồng để về đến Bến xe Nước Ngầm”.

Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, lượng hành khách từ các nơi về bến này không quá đông, bình quân từ 20.000-30.000 người/ngày. Năm nay nghỉ Tết dài ngày nên người dân trở lại Hà Nội rải rác chứ không tập trung vào một thời điểm như mọi năm. Nhiều người đi xe máy nên cũng góp phần giảm tải cho các xe khách trong dịp sau Tết.

Miền Tây về TPHCM: Không kẹt xe

Hai ngày cuối tuần, hàng ngàn phương tiện từ miền Tây nối đuôi nhau về TPHCM. Sáng 17-2, hàng ngàn phương tiện từ cầu Mỹ Thuận hướng về ngã ba Trung Lương trên Quốc lộ 1A (thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang) phải chen chúc nhau để về TPHCM.

Khác với những ngày trước, 2 ngày cuối tuần, lực lượng CSGT đã phân luồng giao thông nên dù phương tiện rất đông nhưng không có tình trạng kẹt xe xảy ra. Theo ghi nhận của phóng viên, tại cầu An Hữu và cầu Cổ Cò (huyện Cái Bè), tất cả phương tiện kể cả xe gắn máy đều di chuyển chậm. Tại cầu Kênh Xáng (huyện Châu Thành), tình trạng ùn ứ cũng diễn ra nhưng không nghiêm trọng.
 
CSGT của tỉnh Tiền Giang và Trạm Kiểm soát giao thông Trung Lương đã huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ có mặt ở các tuyến đường để điều tiết xe. Trung tá Trần Bình, Trưởng trạm CSGT Trung Lương, cho biết tại các điểm nút thắt cổ chai đều có CSGT hướng dẫn phân luồng nên chưa xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ.

Trong khi đó, tại đường dẫn vào đường cao tốc Trung Lương - TPHCM, đại úy Dương Thanh Phong, Đội Phó đội Tuần tra số 1, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, cho biết các tín hiệu đèn giao thông đều được tắt để CSGT điều tiết vì số lượng xe đổ về TPHCM quá nhiều. Theo đại úy Phong, năm nay sau Tết Nguyên đán, người dân đổ về TPHCM rất nhiều nhưng do ý thức được tình trạng kẹt xe nên rất đông phương tiện đi vào ban đêm. Chính vì thế mà tình trạng kẹt xe không diễn ra.

Vạ vật trên tàu hỏa

Sau Tết, việc kiếm được một ghế ngồi trên tàu hỏa từ các tỉnh phía Bắc trở lại TPHCM hết sức nhiêu khê. Nhiều hành khách phải vạ vật ở hành lang, chen chúc vào các khoảng trống trên tàu. Trên chuyến tàu SE7 khởi hành từ Hà Nội đi TPHCM vào sáng 16-2, nhiều hành khách không mua được vé ghế ngồi đã được các nhân viên đưa lên tàu ngồi ghế nhựa hoặc trên chiếu ở các lối đi. Tuy ngồi như thế nhưng hành khách phải trả 1 triệu đồng/người cho tuyến từ Thanh Hóa đến TPHCM. Tối đến, giấc ngủ của họ luôn bị đánh thức bởi phải tránh đường cho nhân viên đẩy xe bán thức ăn qua các toa tàu. Nhiều người phải ngồi vạ vật cạnh thùng rác, tủ điện... Họ phải mua một chiếc chiếu hoặc lót tạm tờ báo tranh thủ chợp mắt qua đêm trên tàu.
 
Sỹ Đông