Bị hưu và được hưu
Chị công nhân xưởng may vắt kiệt sức làm quần quật 12 tiếng một ngày để có mức lương trên dưới 1 triệu đồng mỗi tháng, chị mong muốn ngày về hưu đến sớm. Đối với chị là được hưu.
Bà quan chức công việc nhàn nhã, nhiều quyền uy, ngoài mức lương vài triệu còn thêm nhiều bổng lộc (có khi lớn gấp nhiều lần lương), thường không muốn giã từ địa vị sớm để lãnh lương hưu dù mức lương đó bằng 90% hay 100% lúc đương chức mà không cần phải làm việc. Đối với bà là bị hưu.Người được hưu thì muốn càng sớm càng tốt, người bị hưu thì muốn càng kéo dài càng hay, nếu có thể cứ vô tận cho đến cuối đời, đến “hơi thở cuối cùng”. Câu chuyện tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 55 hay 60 về bản chất là sự giằng co lợi ích của người bị hưu và người được hưu.
Ở một nước chậm tiến về kỹ thuật như Việt Nam, nữ công nhân đa phần phải lao động nặng nhọc, thu nhập thấp, thì người được hưu sẽ chiếm tuyệt đại đa số. Người bị hưu chỉ là thiểu số ít ỏi trong xã hội. Tuy nhiên nhiều chưa hẳn đã mạnh, người được hưu đông thật nhưng vì hạn chế trình độ nên họ không tự cất lên tiếng nói bảo vệ mình; mặt khác, cơ hội trên diễn đàn của họ cũng rất hiếm hoi. Và chúng ta thấy hàng triệu người được hưu trên đất nước đã im lặng khi có người nêu lý do bình đẳng giới đưa tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60.
Bình đẳng giới là gì? Nói ngắn gọn, dễ hiểu là đấu tranh cho nữ quyền, tức tìm cách nâng quyền lợi của nữ giới lên. Vì vậy, khi bình đẳng giới lên tiếng kéo dài tuổi nghỉ hưu thì chắc chắn đó là bình đẳng giới của người bị hưu, với tầm nhìn cận thị chỉ thấy quyền lợi nhiều khi xét kỹ là không chính đáng của thiểu số ít ỏi này. Đi ngược lại quyền lợi của số đông mà lẽ ra mình phải bảo vệ, bình đẳng giới trong trường hợp này đã tỏ ra phiến diện, xa rời tôn chỉ sứ mệnh, hay ít ra là bị lợi dụng nhân danh với các lý lẽ ngụy biện.
Để cân phân, điều cần lưu ý là sự bảo vệ nào cũng không được thái quá, quyền lợi của người được hưu cần tôn trọng nhưng phải trong khả năng của quỹ bảo hiểm xã hội, không phá vỡ cân đối thu chi của quỹ này. Mặt khác, cũng cần phân định rõ quy định nghỉ hưu và quyền làm việc, cống hiến của mọi người. Ở các nước, các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, chuyên gia... khi nghỉ hưu có thể tham gia làm tình nguyện viên đảm nhận một số công việc mà mình yêu thích. Hiện nay, có nhiều tình nguyện viên quốc tế làm việc không lương tại Việt Nam, và chúng ta nên học họ cách tổ chức, tạo điều kiện nguồn lao động quý báu này tiếp tục cống hiến cho đất nước sau khi nghỉ hưu.
Diễn đàn “Tuổi hưu lao động nữ bao nhiêu là vừa?” trên Báo NLĐ vừa khép lại, cả người bị hưu và người được hưu đều đã có dịp bộc bạch, giải bày nguyện vọng. Bây giờ, các đề đạt hay chuyện 55 - 60 đang đặt trên bàn Quốc hội. Quốc hội có quyền quyết định, và rất khó để quyết định này dung hòa lợi ích đối nghịch nhau từ hai phía. Nếu phải chọn một, không biết rồi đây Quốc hội đứng về phía ai - người bị hưu hay người được hưu?