Bộ GD-ĐT đâu có quyền ra lệnh như thế?

Từ việc bị phụ huynh học sinh (HS), dư luận lên tiếng xung quanh việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) một lần, gây lãng phí và độc quyền in ấn dẫn đến khan hiếm, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành văn bản yêu cầu HS không được viết bậy, vẽ bậy vào SGK, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Thực chất của nội dung công văn yêu cầu này chẳng khác nào là một "lệnh cấm", vì nêu rất rõ trách nhiệm của giáo viên, HS trong việc sử dụng SGK, sách tham khảo!

Có thể hiểu rằng mục đích của yêu cầu, "lệnh cấm" này là để bảo đảm cho SGK được sử dụng nhiều lần trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là SGK do phụ huynh bỏ tiền túi ra mua, Bộ GD-ĐT lấy cơ sở nào để yêu cầu HS không vẽ, viết bậy vào SGK?

Nên nhớ rằng pháp luật chỉ cấm hành vi xâm phạm đến tài sản thuộc sở hữu của người khác. Đối với hành vi xâm phạm tài sản thuộc sở hữu của mình mà bị cấm thì chỉ là hành vi hủy hoại tiền tệ hoặc xúc phạm quốc kỳ, quốc huy... Không có quy định pháp luật nào cấm phụ huynh, HS hủy hoại SGK do họ bỏ tiền mua cả.

Có thể khẳng định mấu chốt vấn đề ở đây là người dân, xã hội bức xúc, phản đối việc đưa phần bài tập in chung vào SGK và độc quyền in SGK. Do đó, việc cần làm ngay của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không tiếp tục độc quyền in SGK nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm, thiếu sách SGK như vừa qua; đồng thời tuân thủ quy định về cạnh tranh, minh bạch trong việc in sách. Tiếp đó, sớm thiết kế, biên tập và chỉnh sửa để bỏ phần bài tập đang được in chung vào SGK như hiện nay.

Thiết nghĩ, chỉ cần làm tốt những việc đơn giản trên thì đương nhiên SGK sẽ không còn khan hiếm vào mỗi đầu năm học và sẽ được sử dụng nhiều lần mà không cần phải can thiệp như khuyến khích, yêu cầu hay "cấm" viết, vẽ bậy vào SGK. Điều này vừa trái quy định pháp luật vừa không giải quyết được căn cơ, mấu chốt của vấn đề xung quanh việc in ấn, sử dụng SGK bất cập hiện nay.