Cẩn trọng với cảng tỉ đô

LTS: Dự án cảng tỉ đô Lạch Huyện - Hải Phòng đang gây tranh luận trong giới khoa học và ngành giao thông, kinh tế. Trong bài viết này, TS Trần Đình Bá, một nhà khoa học vốn tâm huyết với ngành GTVT nước nhà, chỉ ra nhiều bất cập của dự án

Mới đây, ngày 9-8, nhiều chuyên gia, tiến sĩ (TS) ở Bộ GTVT đã có ý kiến cho rằng phương án xây cảng Lạch Huyện gần bờ là ý tưởng tốt, họ bác thẳng thừng hiến kế cảng xa bờ, bác kiến nghị của Tổng hội Xây dựng Việt Nam và các nhà khoa học tâm huyết.

Dã tràng xe cát?

Đào một hào dài hay một giếng sâu trên mặt đất là điều bình thường song thực hiện dưới đáy sông, biển như ở dự án cảng Lạch Huyện là cực kỳ khó. Những TS đã từng nghiên cứu thủy lực, hệ số Reynolds về lực ma sát lên dòng chảy, lực đẩy Archimedes, khái niệm về “hố thế” sẽ không hình dung nổi ý tưởng về một dòng sông 2 đáy của dự án cảng Lạch Huyện với đáy cao âm 6 m và đáy thấp âm 14 m so với mặt nước.
img
Phối cảnh cảng Lạch Huyện. Ảnh: SƯU TẦM

Dưới lực đẩy Archimedes và độ nhớt ma sát theo hệ số Reynolds thì các hạt cát từ đáy cao âm 6 m sẽ nhanh chóng chạy về để lấp đầy “hố thế”  ở  đáy  thấp âm 14 m, theo đúng nguyên lý nóng chạy qua lạnh, vật thể từ cao rơi xuống thấp. Hãy hình dung rằng có 40 triệu m3 bùn đất đào đi của một hào sâu 14 m, dài 17 km, rộng 160 m
tạo nên một “hố thế” khổng lồ thì lập tức sẽ có ngay 20-25 triệu m3 bùn đất nhảy vào đó. Như vậy, công nạo vét của dự án này sẽ chỉ còn là “dã tràng xe cát”.

Không thể có mỹ từ “nạo vét” mà thực chất là đào bới, khoét sâu lòng sông  với 40 triệu m3 đất. Việc này sẽ phải trả giá đắt bằng hàng ngàn hecta đất canh tác, nhà cửa ruộng vườn bên bờ sông bị nhấn chìm, tương tự việc hút cát ở các lòng sông gây sạt lở nhiều vùng đất ven bờ đang đe dọa cuộc sống của hàng vạn hộ dân ĐBSCL, miền Trung và vùng châu thổ sông Hồng.

Sai lầm trong khoa học

Không chỉ các nhà khoa học của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, rất nhiều nhà khoa học danh tiếng và có tâm huyết, đặc biệt là các chuyên gia kỳ cựu trong ngành thủy lợi và cầu cảng, cũng đã nêu ý kiến cho rằng nên cẩn trọng với dự án cảng tỉ đô Lạch Huyện.

TS Tô Văn Trường, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi; TS Ngô Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; TS Dương Văn Phúc, nguyên phó trưởng khoa, phó chủ nhiệm Bộ môn Cảng đường thủy Trường ĐH Xây dựng Hà Nội; PGS-TS Nguyễn Văn Ngọc, Chủ nhiệm Khoa Công trình thủy Trường ĐH Hàng hải; PGS-TS Đỗ Tất Túc, nguyên chủ nhiệm Khoa Thủy văn - Môi trường Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội… đều đã chỉ ra những sai lầm lớn trong khoa học về dự án này.

Ông Phạm Thế Minh, nguyên thứ trưởng Bộ GTVT, từng thừa nhận: “Tôi vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của việc xây dựng cảng Lạch Huyện”. Rồi ông nhắn nhủ: Làm gì cũng xin đừng để lại tai tiếng; cần thận trọng, đừng để đau lòng người dân!

Phép thử “văn hóa giao thông”

Bộ GTVT từng mở “Diễn đàn kêu gọi nhân dân hiến kế” và kêu gọi mọi người hưởng ứng “văn hóa giao thông”, hứa sẽ “trân trọng từng hiến kế” của từng người dân, đặc biệt là các nhà khoa học. Tỏ ra cầu thị đến vậy nhưng trên thực tế, nhiều người có trách nhiệm về quản lý Nhà nước ở các cục, vụ, viện thuộc Bộ GTVT vẫn làm những việc bất cập, đi ngược tiêu chí  về “văn hóa giao thông”. Hàng trăm GS, TS ở các cục, vụ, viện của Bộ GTVT chờ hiến kế, để rồi bác các ý kiến về mở rộng đường sắt, về hàng không..., mà mới đây là bác bỏ khuyến cáo của các nhà khoa học tại cuộc hội thảo của Tổng hội Xây dựng Việt Nam về cảng Lạch Huyện. 

Với vai trò quản lý Nhà nước, các chuyên gia ở Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về sự thành bại của dự án và tác động kinh tế - xã hội và môi trường của cộng đồng. Vì vậy, hơn bao giờ hết, họ phải có thái độ đúng mực để tiếp thu hiến kế cũng như chịu sự phản biện xã hội, phản biện khoa học của người dân trên tinh thần “văn hóa giao thông”. Và, cảng tỉ đô đang là phép thử “nặng đô” cho “văn hóa giao thông” ấy.