Cắt giảm cũng cần đúng cách!

Nhiều trường học đơn giản tối đa lễ khai giảng nhưng nếu không cẩn thận thì rất dễ mất đi ý nghĩa của ngày khai giảng năm học mới, nhất là đối với các em học sinh đầu cấp

Ngày khai giảng đã qua. Ðiều ai cũng thấy là năm nay để tránh phô trương, nhiều địa phương đã chỉ đạo nhà trường cắt giảm những thủ tục không cần thiết, "vô bổ" như đọc báo cáo tình hình hoạt động năm học vừa qua, các bài phát biểu chào mừng dài "lê thê kể lể, tâng bốc công lao, sự quan tâm giúp đỡ của cấp này, cấp nọ, tổ chức này, cá nhân kia...

Ðó là việc làm hết sức ý nghĩa đáng ghi nhận. Thế nhưng, cũng đã xuất hiện tình trạng nhiều trường học chủ động đơn giản tối đa lễ khai giảng nhưng chính điều này nếu không cẩn thận thì rất dễ mất đi ý nghĩa của ngày khai giảng năm học mới, nhất là đối với các em học sinh đầu cấp, mới đi học.

Ngày khai giảng không chỉ là lễ bắt đầu năm học mới mà còn là ngày tựu trường, đánh dấu bước ngoặc cuộc đời của nhiều học sinh, đó là ngày đầu tiên đi học! Do đó, dù đơn giản nhưng cũng không nên quá sơ sài làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, dấu ấn sâu sắc thời học sinh trong cuộc đời của mỗi người.

Theo tôi, để buổi lễ khai giảng thật sự ý nghĩa nên tập trung vào đối tượng chính là các em học sinh. Ngoài các nghi thức cần có như chào cờ, phát biểu của lãnh đạo nhà trường, chào mừng ngắn gọn duy nhất một cơ quan liên quan đại diện (nếu có) thì nên tập trung vào đối tượng là các em học sinh bằng các chương trình văn nghệ, múa hát vui tươi, ý nghĩa, mang nhiều ước mơ tuổi học trò... Có như vậy, lễ khai giảng mới thoát khỏi tình trạng nặng nề, phô trương hình thức gây ức chế cho học sinh nhưng vẫn mang nhiều ý nghĩa, tiết kiệm và trang trọng.