Cho thuê vỉa hè, tại sao không?

Thực hiện xã hội hóa vỉa hè ở TP HCM chắc chắn sẽ được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.

Chấn chỉnh tình trạng chợ tự phát, lấn chiếm trái phép vỉa hè, lòng lề đường để tụ tập, buôn bán đã được UBND TP HCM giao UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm.

Thực tế, việc duy trì trật tự vỉa hè được tái lập phải song song với việc sử dụng có hiệu quả như thế nào để vừa bảo đảm mỹ quan vừa giải quyết được đời sống của một bộ phận người dân.

Phương án thu phí vỉa hè được dư luận bàn tán nhiều. Có người đem cả mô hình Paris (Pháp) để tham khảo và áp dụng tùy theo điều kiện thực tế của TP HCM. Có người ước tính với hơn 10 triệu km2 vỉa hè TP HCM, chỉ cần thu 1/3 hay 1/4 mức phí giả định (từ 50.000 - 150.000 đồng/m2/tháng) thì số tiền thu một năm là trên dưới 4.000 tỉ đồng. Một con số không nhỏ. Cũng có dư luận tỏ ra ái ngại cho việc thu phí vỉa hè...

Thu phí vỉa hè không phải là ý tưởng mới. Đây là nội dung được quy định trong Luật Phí và Lệ phí được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Theo đó, Quốc hội giao cho HĐND tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ban hành mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Các địa phương cần nhanh chóng vào cuộc, tạo một hành lang pháp lý để sớm ổn định vỉa hè cũng như đời sống dân sinh của một bộ phận người nghèo.

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ rồi xã hội hóa, không hẳn cứng nhắc là vỉa hè chỉ để "ông đi qua bà đi lại" một cách đơn điệu, buồn tẻ mỗi sáng mỗi chiều. Dành 1/3 vỉa hè (có quy hoạch, có thu phí) cho khách bộ hành, những người dạo phố ngồi lại vừa thưởng thức hương vị ẩm thực đường phố hay mua sắm vừa ngắm nhìn vỉa hè, đường phố sạch đẹp, hiện đại, văn minh...; vừa giải quyết "chén cơm manh áo" cho một bộ phận người nghèo mà vỉa hè vẫn bảo đảm cho người đi bộ; trong đó có sự góp sức của người dân cùng với chính quyền trong khu vực. Thực hiện xã hội hóa vỉa hè ở TP HCM chắc chắn sẽ được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.