Đề án giáo dục sao hời hợt thế?

Một đề án cải cách giáo dục có ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh nhưng lại được thực hiện hời hợt và khi bị dư luận lên tiếng thì cố tìm cách lấp liếm

Nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước Quốc hội về đề án đổi mới sách giáo khoa, hầu hết bạn đọc đều ngao ngán lắc đầu. Đề án có tầm quan trọng đối với hàng triệu học sinh và ảnh hưởng đến cả tương lai của bao con người nhưng lại được báo cáo quá hời hợt, nhiều sơ suất.

Bạn đọc Nguyễn Hoàng Minh dẫn chứng: “Bộ trưởng nói rằng “huy động cả xã hội vào việc viết sách giáo khoa...” nghe sao mà mơ hồ quá. Bao nhiêu lần đổi mới sách giáo khoa, tốn kém rất nhiều tiền của nhưng thực tế thì quá thất vọng. Mỗi chương trình sách giáo khoa kém là ảnh hưởng đến cả một thế hệ học sinh nhưng bao nhiêu năm chúng ta cứ loay hoay cải cách”. Tương tự, bạn đọc Tân Nguyễn chỉ rõ: Rất nhiều nước trong khu vực có nền giáo dục tiên tiến như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc..., không hiểu sao các vị ở Bộ Giáo dục và Đào tạo không học hỏi được gì.

Con số 72.000 cử nhân thất nghiệp được công bố làm cho bất cứ ai cũng phải giật mình. Điều này cho thấy giữa đào tạo và nhu cầu xã hội còn khoảng cách quá xa. Nếu tính cả những cử nhân ra trường tìm được việc làm nhưng không đúng chuyên môn mình đã học thì con số còn khủng khiếp hơn. “Đào tạo nhưng không có chiến lược cụ thể mà cứ chạy theo nhu cầu ảo của xã hội thì sinh viên không thất nghiệp mới lạ. Tội nghiệp những sinh viên bao năm đèn sách, khi ra trường vẫn còn là gánh nặng cho cha mẹ” - bạn đọc Thanh Linh bày tỏ.

Trước ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về kinh phí cho đề án đổi mới sách giáo khoa là 34.000 tỉ đồng chỉ là do “anh em bị khớp mà báo cáo ra”, nhiều bạn đọc ngao ngán: Hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ mà nói như chuyện đùa. Bạn đọc Lý Văn Tư phân tích: Sau khi đưa ra kinh phí trên, đến khi dư luận lên tiếng, đại biểu Quốc hội chất vấn thì đổ cho cấp dưới thật khó coi.