Đừng quên chuyện cốt nền

Tại kỳ họp HĐND TPHCM mới đây, chuyện cốt nền của TP xác định được hay chưa, đã được đặt ra khiến cho dư luận, đặc biệt những người quan tâm đến lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thực sự quan tâm.

Vấn đề một lần nữa được xới lên trong buổi làm việc giữa Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, ngày 20-8. Theo lãnh đạo Viện Qui hoạch - Xây dựng thì cốt nền TP có nhưng không được quan tâm quản lý, hệ lụy là TP cứ ngập sau mỗi cơn mưa, triều cường. Chuyện cốt nền vì vậy vẫn chưa ngã ngũ và rất cần phải nhắc lại.

Là người công tác lâu năm trong lĩnh vực xây dựng, theo tôi biết cốt nền có 2 loại: Cốt tương đối và cốt tuyệt đối. Cốt tương đối là độ cao cục bộ, còn cốt tuyệt đối là độ cao so với mặt nước biển trung bình. Muốn thoát nước cho toàn TP, phải xây dựng được cốt tuyệt đối, nước mới thoát ra sông rồi về biển. Ai xây dựng cốt nền cho TP? Tất nhiên là ngành quy hoạch-kiến trúc, cụ thể trực tiếp là bộ phận trắc địa. Điều rất lạ là một đô thị lớn như TPHCM mà đến bây giờ các nhà quản lý và quy hoạch vẫn đang tranh cãi chuyện có hay chưa có cốt nền, trong lúc các dự án quy hoạch vẫn được triển khai cấp tập, mỗi dự án tự định ra một cốt riêng gây nên cảnh nước thoát được ở dự án này nhưng chảy ngược qua dự án khác, gây ứ đọng, ngập nước lung tung khắp TP. Ở miền Nam trước năm 1975, khi làm dự án, các nhà chuyên môn lấy cốt nền tuyệt đối ở Hà Tiên, miền Bắc thì lấy ở Hòn Dấu (Hải Phòng). Bây giờ chúng ta đã có một hệ thống cốt toàn quốc, nhưng với từng khu vực cụ thể như TPHCM chẳng hạn, không thể không xây dựng một hệ thống cốt chung để làm chuẩn cho các dự án quy hoạch. Đây mới là vấn đề tác động mạnh mẽ có tính chất giải quyết tận gốc việc chống ngập, ứ cục bộ cho TP, chứ không phải nỗ lực đầu tư ngân sách mua sắm hàng loạt máy bơm, đắp đê v.v... như đã từng làm.