Đừng xử lý theo kiểu “dĩ hòa vi quý”!
10 cán bộ chủ chốt ở xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông mua bằng tốt nghiệp THPT giả để được “thăng quan tiến chức” vừa bị phát hiện. Trước sự việc này, một lãnh đạo Huyện ủy Tuy Đức đã nói: “Dù những cán bộ này sử dụng bằng bất hợp pháp nhưng họ có đóng góp nhiều cho xã trong mấy chục năm qua nên sắp tới, chúng tôi sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp, không để họ giữ chức vụ chủ chốt nhưng sẽ vận động đi học lại và bố trí một công việc khác ở xã”.
Phát biểu này khiến dư luận băn khoăn. Lâu nay, tình trạng sử dụng bằng cấp giả (hoặc “bằng thật, học giả”) vì mục đích vụ lợi cá nhân ở nước ta đã trở nên phổ biến đến mức báo động. Điều này ảnh hưởng không ít đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Hơn nữa, hành động dùng bằng cấp giả để tiến thân chẳng khác nào lừa dối cấp trên, đồng nghiệp và cấp dưới. Trong khi đó, một trong những phẩm chất hàng đầu của mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, là phải trung thực. Những người không trung thực thì rõ ràng không xứng đáng là cán bộ, đảng viên, càng không có tư cách là người lãnh đạo.
Nếu chúng ta xử lý theo kiểu “dĩ hòa vi quý”, vận động đi học lại để sửa sai, hợp lý hóa chức vụ (có thể sẽ phục hồi hoặc lên chức sau đó), chẳng khác nào tạo tiền lệ khuyến khích gian dối, xúi người ta cứ việc làm càn quấy bởi nếu bị phát hiện thì cũng chỉ sửa sai, rút kinh nghiệm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tệ nạn “chạy bằng cấp” phát sinh và phát triển đại trà ở nhiều nơi trên đất nước ta như hiện nay.