Giải tỏa nút giao thông Cầu Tre ách tắc, do đâu?

Theo kế hoạch, UBND thị xã Tân An (Long An) phải bàn giao mặt bằng nút giao thông Cầu Tre đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cho đơn vị thi công vào tháng 11.

Thế nhưng, hiện đã gần hết tháng 12-2005 mà vẫn chưa có một hộ dân nào ra khỏi khu vực giải tỏa, vì phát sinh quá nhiều vấn đề nan giải

Trong những ngày cuối năm, người dân khu vực giải tỏa nút giao thông Cầu Tre đang sống trong tâm trạng hết sức hoang mang, lo lắng. Gặp bất kỳ cán bộ nào hay đến gõ cửa các cơ quan có thẩm quyền họ đều đặt câu hỏi: “Chúng tôi phải đi đâu? Ở đâu? Sống bằng cách nào?”.

Dân và doanh nghiệp đều bối rối

Anh Nguyễn Văn Đông bộc bạch: “Nhà nước làm đường cao tốc, người dân ai cũng mừng, không ai muốn gây cản trở cho việc thi công. Nhưng, đơn vị thi công ấn định thời gian kê biên, bồi thường, di dời chỉ trong vòng hai tháng thì làm sao người dân trở tay cho kịp. Đó là nói trong điều kiện giá cả đền bù hợp lý, có chỗ tái định cư hẳn hoi. Đằng này, giá bồi thường mặt tiền Quốc lộ 62 chỉ có 800.000 đồng/m2, trong khi đó giá đất tại một khu dân cư gần đó cao gấp 3, 4 lần. Như tôi đây, nếu nhận tiền đền bù của 200 m2 đất thổ cư mặt tiền thì mua chưa được một nửa lô đất trong khu dân cư. Đã vậy, khi vào trong đó, tôi không thể kinh doanh được. Còn hỏi về chính sách tái định cư thì từ xã đến tỉnh chưa có cơ quan nào chỉ ra được”.

Ông Nguyễn Văn Hồng, thành viên Công ty TNHH Chế biến nông sản xuất khẩu Tân An, bức xúc: “Cơ ngơi chúng tôi rộng cả chục ngàn mét vuông, có 1.500 công nhân lành nghề, giá trị nhà xưởng lên đến hàng chục tỉ đồng, nhưng làm sao di dời và tái sản xuất trong vòng 2 tháng như thông báo của UBND thị xã Tân An. Hiện nay là thời hạn chót phải bàn giao mặt bằng, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa chỉ ra được khu đất hoán đổi và phương án bồi thường thiệt hại. Chúng tôi hỏi Ban Quản lý dự án đường cao tốc thì họ chỉ về tỉnh, tỉnh chỉ về thị xã và thị xã thì cho biết chưa biết phải giải quyết ra sao. Nếu di dời trong lúc này thì công ty chúng tôi không bảo đảm được kế hoạch xuất khẩu và tự đánh mất thị trường do vi phạm hợp đồng kinh tế.

Vẫn còn chờ phê duyệt phương án đền bù!

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chỉnh, Chủ tịch HĐND thị xã Tân An, thừa nhận sự lo lắng của người dân ấp Cầu Tre là có cơ sở. Sở dĩ nút giao thông Cầu Tre có những bất cập là có quá nhiều phương án thực hiện. Lúc đầu phía chủ đầu tư đưa ra phương án không giải tỏa trắng, chỉ giải tỏa những hộ có đường giao thông đi qua. Xét thấy phương án này không có mỹ quan, cũng như không giúp ích được kế mưu sinh của người dân nên bị hủy bỏ vì không đạt được sự đồng thuận từ hai phía.

Sau khi thống nhất phương án giải tỏa trắng, thì xuất hiện có sự chênh lệch giữa ranh giới kê biên và giải tỏa (ranh kê biên nhỏ hơn ranh giới giải tỏa). Chỉ việc này thôi cũng mất nhiều thời gian điều chỉnh. Cuối cùng, đến ngày 25-8-2005, UBND thị xã Tân An mới nhận bản vẽ nút giao thông Cầu Tre với tổng diện tích phải bàn giao là 32,9 ha. Trong đó có tới 260 hộ và nhiều doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh thì đã quá cận kề thời hạn chót.

Vẫn theo ông Chỉnh, việc giải tỏa chậm còn do phát sinh nhiều hạng mục không nằm trong danh mục bồi thường thiệt hại, phải xin ý kiến tỉnh và Trung ương. Chẳng hạn đường dây điện trung thế, đất của người dân dôi ra không sử dụng được nay đề nghị thu hồi, phải đền bù ra sao? Song, rối nhất là tìm đất để di dời Công ty Chế biến nông sản xuất khẩu Tân An và một xưởng nước mắm. Vì cho đến giờ phút này, phương án bồi thường, tái định cư cho các doanh nghiệp trong khu giải tỏa vẫn còn dang dở. Về phần tái định cư cho người dân, UBND thị xã Tân An đã đạt được thỏa thuận với Công ty Lainco bán nền nhà giá thấp hơn với giá kinh doanh từ hai đến ba lần. Song, theo những hộ dân sống cập Quốc lộ 62, vào khu dân cư Lainco sẽ gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, vì mặt bằng ở đây hẹp và không thuận lợi so với chỗ cũ.

Do phát sinh nhiều vấn đề không thể lường trước, ông Chỉnh cũng thừa nhận chưa thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng theo kế hoạch. Tất cả đều phải chờ giải quyết xong khâu thẩm định, phê duyệt phương án đền bù chi tiết từ cấp có thẩm quyền.