Hãy ngăn chặn tai nạn chết người
Bài báo “Hố tử thần” đang rình rập! trên Báo NLĐ ngày 12-10 phản ánh những tiếng kêu bức xúc của bạn đọc. Dư luận đòi hỏi ngành GTVT phải kịp thời ngăn chặn những tai nạn chết người
Người đứng đầu ngành phải chịu trách nhiệm
Tại TPHCM những năm qua, do mặt đường xuống cấp, do cải tạo nâng cấp đường không đồng bộ, do bố trí tuyến xe không hợp lý, do xe tải, xe buýt giành đường... đã gây ra nhiều cái chết thương tâm. Sau cái chết tức tưởi của những nạn nhân, cơ quan chức năng chưa hề xử lý trách nhiệm hình sự của cán bộ nào trong ngành GTVT (những người có trách nhiệm quản lý Nhà nước về GTVT).
Và sau những vụ tai nạn kinh hoàng đó, cũng không hề thấy một cán bộ nào xin lỗi gia đình người bị nạn, xin từ chức vì đã thiếu trách nhiệm trong quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguy hiểm hơn nữa, những nguyên nhân gây ra tai nạn chết người không được xem xét nghiêm túc để ngăn chặn kịp thời, để rồi sau đó thêm một tai nạn tương tự lại xảy ra cướp đi mạng sống của người khác. Sau mỗi cái chết thương tâm là những hậu quả nặng nề cho gia đình nạn nhân và cho xã hội.
Chúng tôi yêu cầu người đứng đầu ngành GTVT TPHCM và những cán bộ liên quan phải chịu trách nhiệm, phải có những hành động kịp thời để xử lý những nguyên nhân gây tai nạn, ngăn ngừa những cái chết thương tâm trên đường phố.
Bùi Thị Khanh (Q.1 - TPHCM)
Phải có hành động kịp thời
Các “hố tử thần” mà Báo NLĐ ngày 12-10 đã thông tin tuy chưa gây tai nạn chết người nhưng luôn là mối nguy hiểm đe dọa người tham gia giao thông. Việc đào đường, tái lập mặt đường cẩu thả khiến mặt đường lồi lõm, gồ ghề và sau đó tạo thành các hố sâu gây nguy hiểm cho người dân đã bị dư luận phản ứng rất nhiều.
Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc ghi nhận và hứa xử lý nghiêm những sai phạm. Điều quan trọng là hãy hành động để hạn chế việc làm cẩu thả của các đơn vị thi công, của đơn vị giám sát, của chủ đầu tư thì hầu như còn bỏ ngỏ.
Tôi cho rằng để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những vi phạm, có như vậy đường phố sẽ bớt những hố sâu luôn rình rập người đi đường.
Nguyễn Bình Minh (Q.Bình Thạnh - TPHCM)
Quá quan liêu
Hiện nay, trên một số tuyến đường ở TPHCM xuất hiện các hố sâu, còn các hố ga mới làm lại cao hơn mặt đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đây là hậu quả của việc làm cẩu thả.
Tôi cho rằng để xảy ra vụ việc này ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát, còn có trách nhiệm của ngành GTVT TP. Sống ở TP văn minh, hiện đại mà người dân luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.
Nào là ngập nước, kẹt xe thường xuyên xảy ra. Lô cốt đã giảm nhưng đường hư hỏng xuất hiện càng nhiều, nắp cống cao hơn mặt đường... Với những gì đã xảy ra, người dân mong người đứng đầu ngành GTVT TP hãy dành chút thời giờ để đi thực tế, có như thế mới thấu hiểu nỗi khổ người dân.
Chúng tôi không thể chấp nhận được cách làm quan liêu của những cán bộ được giao chức trách quản lý để kéo dài tình trạng hạ tầng giao thông xuống cấp như lâu nay.
Nguyễn Hoài Anh (Q.1-TPHCM)

Nắp hố ga cao hơn mặt đường, nơi xảy ra tai nạn chết người sáng 9-10, trên đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức). Ảnh: TẤN THẠNH
Xử lý nghiêm
Những nắp hố ga cao hơn mặt đường là nguyên nhân gây nhiều cái chết thương tâm. Một đứa trẻ khóc thảm thiết khi chứng kiến cái chết thảm của người mẹ. Sự việc đau lòng xảy ra khiến dư luận rất căm phẫn việc làm vô trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Họ thi công xong, sau đó lấy tiền rồi rút lui, còn công trình có bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tham gia giao thông hay không thì mặc kệ. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan để đưa ra ánh sáng những kẻ đã gián tiếp gây ra cái chết oan uổng cho người dân.
Tôi mong rằng các ngành chức năng cần có các giải pháp tích cực để kịp thời ngăn ngừa, xử lý những đơn vị có liên quan xem thường tính mạng của người dân.
Đào Văn Tuấn (Q.3-TPHCM)