Hãy trả lại ý nghĩa thật sự của ngày tựu trường!

Dư luận hiện đang đặc biệt quan tâm về lời hứa của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khắc phục chuyện tựu trường trước rồi mới khai giảng.

Từ xưa chuyện học luôn được mặc định: nghỉ hè 3 tháng, tựu trường đầu tháng 9. Quy trình này đã chạy tốt trong một thời gian dài. Hơn chục năm gần đây, học sinh bị cắt giảm bớt mùa hè, từ đầu hay giữa tháng 8 là phải cắp sách tới trường. Học "ròng rã" đến cả nửa tháng, thầy trò mới lục tục kéo nhau đi làm lễ tựu trường. 

Vẫn như mọi năm, niên khóa 2019 -2020 đã "chạy" được hơn 2 tuần nay và lễ khai giảng sẽ diễn ra ngày 5-9 tới. "Điểm mới" của chuyện học hành năm nay theo Bộ Giáo dục và Đào tạo là sẽ từng bước tiến tới khắc phục việc tựu trường sớm. Để tạo ra không khí thực sự tươi mới của ngày tựu trường, Bộ đang tính toán để hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng, tránh học trước rồi mới tổ chức khai giảng như hiện nay.

Hãy trả lại ý nghĩa thật sự của ngày tựu trường  - Ảnh 1.

Hãy trả lại ý nghĩa thật sự của ngày tựu trường cho học sinh.

Bạn đọc Phạm Hoan thắc mắc: “Tại sao cứ phải đi học trước cả 2 tuần, rồi sau đó mới làm lễ khai giảng, học "đã đời" rồi mới làm thủ tục "chào đón" học sinh đầu cấp. Như vậy lễ khai giảng không còn ý nghĩa gì hết”. 

Bạn đọc Hoàng Xuân bức xúc: “Mấy năm học vừa qua, học sinh đi học sớm từ giữa tháng 8, cuối năm học đến giữa tháng 5 là hết chương trình, nửa tháng cuối năm đi học gần như đi chơi vì tới lớp chỉ ôn lại bài và coi…tivi”.

Nhiều bạn đọc đã viết: “Hiện nay giảng rồi mới khai, không còn ý nghĩa của năm học mới. Đề nghị quay về như cũ, khai rồi mới giảng”; “Hy vọng lần này nói được phải làm được, việc khai giảng rồi mới học chỉ cần "1 bước" chứ có gì khó khăn đâu mà phải từng bước?” “Việc khai giảng rồi mới học, chẳng hiểu vi sao Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ loay hoay mãi…

Bạn đọc Nguyễn Văn Gương đề nghị: “Mấy năm gần đây, trào lưu đi học trước khai giảng sau, quy trình này hiện nay cho thấy nhiều bất cập.Hãy trả lại ý nghĩa thật sự của ngày tựu trường cho học sinh".