Kết hợp du lịch với bảo vệ môi trường

Sử dụng công nghệ hiện đại, các biện pháp chế tài mạnh, có tính dài hạn, gắn liền với văn hóa, du lịch để việc bảo vệ môi trường TP HCM thật hiệu quả, bền vững

Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn luôn là vấn đề bức xúc và cấp thiết đối với TP HCM và cũng là một trong các tồn tại được Nghị quyết 31-NQ/TW chỉ rõ. Trong vấn đề ô nhiễm môi trường thì lượng ô nhiễm đến từ hoạt động du lịch là rất đáng lưu tâm.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng

Có thể nhìn thấy cái khó của thành phố trong việc giải quyết tận gốc vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch. Đặc thù du lịch của TP HCM là số lượng du khách lớn và đa dạng loại hình. Địa thế các cung đường du lịch trong thành phố lại có nhiều kênh rạch, các đường phố lớn nhỏ cùng hệ thống ngõ, hẻm khá phức tạp. Với địa hình tự nhiên như vậy, kiểm soát hành vi vi phạm môi trường trong du lịch không phải đơn giản.

Do vậy, biện pháp tuyên truyền được xem là có thể đem lại hiệu quả cao. Thực tế cho thấy Chỉ thị 19 của Thành ủy TP HCM về thực hiện cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" đã phát huy tác dụng sâu rộng trong nhân dân và người đến thăm thành phố, tuy vậy vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Đặc biệt nhất thiết phải có các biện pháp mạnh hơn, có tính dài hạn và gắn liền với văn hóa, du lịch.

Sự thay đổi hành động nhỏ của du khách trong bảo vệ môi trường cần đến từ sự nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đó là đẩy mạnh nâng cấp nhà vệ sinh công cộng, trang bị thùng rác trên nhiều tuyến đường; tận dụng các ứng dụng, công cụ công nghệ trong quản lý, giám sát, phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt nghiêm minh... 

Có thể huy động các nguồn lực xã hội để tiến hành việc này. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường của các hộ kinh doanh ăn uống; nghiêm cấm đốt rác, phế liệu để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.

Kết hợp du lịch với bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Thông qua hướng dẫn du lịch cho du khách, đội ngũ hướng dẫn viên sẽ tăng thêm hiểu biết và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trườngẢnh: Hoàng Triều

Dùng du lịch để tuyên truyền

Trong vấn đề giải quyết ô nhiễm do hoạt động du lịch, có thể sử dụng chính du lịch để tuyên truyền và làm sạch hơn môi trường của TP HCM. Điều cần hướng đến ở đây không chỉ là cấm và xử phạt mà còn là nâng cao ý thức của người dân và khách du lịch. 

Nên sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông như là công cụ hữu hiệu giúp nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân về các vấn đề liên quan đến môi trường, ví dụ xây dựng một website bảo vệ môi trường của TP HCM đi kèm cẩm nang du lịch... Việc này có lợi trong việc tạo ra thương hiệu du lịch TP HCM sạch đẹp, an toàn, không ô nhiễm.

Song song đó, đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch thiên về trải nghiệm lịch sử, văn hóa, kết hợp với tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Tránh các hoạt động gây tổn hại đến môi trường, đặc biệt là xả rác thải nhựa. Tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến đi của du khách với các cơ sở hạ tầng xử lý chất thải đồng bộ ở các sân bay, bến tàu, bến xe...

Có thể lấy chính hoạt động du lịch để tạo thành các phong trào sâu rộng, mạnh mẽ chống ô nhiễm môi trường tại các quận, huyện của thành phố. Thông qua trao đổi, mua bán, hướng dẫn du lịch cho du khách, đội ngũ hướng dẫn viên, tình nguyện viên và người dân sẽ tăng thêm hiểu biết, có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. 

Nên học tập các nước châu Âu, xây dựng tiêu chí môi trường tại TP HCM nói chung và tại các điểm du lịch nổi tiếng nói riêng, lấy đó làm tiêu chuẩn để phát triển du lịch bền vững; đồng thời cũng thúc đẩy cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường. Tiêu chuẩn cần rõ ràng ở các lĩnh vực ô nhiễm đất, nước, không khí, tiếng ồn.

Thành phố cũng cần đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch xanh thân thiện với môi trường; thành lập và phát triển các quỹ bảo vệ môi trường dành cho hoạt động du lịch...

Sự tham gia và phối hợp ăn ý giữa nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng sẽ giúp cho việc bảo vệ môi trường thực sự hiệu quả, lâu dài, qua đó giúp phát triển ngành du lịch của TP HCM.