Không thể tha thứ cho hành vi bất hiếu của Tr.

Đọc xong bài viết của báo tôi hết sức bàng hoàng. Từ trước đến nay đã có nhiều trường hợp cha mẹ lỡ tay gây ra cái chết của con, nhưng nay thì ngược lại. Tôi hoàn toàn đồng ý với những nguyên tắc giáo dục con cái đã được nêu trong bài báo, cũng như từ những suy nghĩ của các nhà tâm lý giáo dục học.

Đừng đẩy con vào chân tường

Và trong gia đình, tôi cũng rất tự hào là chúng tôi có tình yêu thương, thông cảm, chia sẻ giữa cha mẹ và con cái rất chan hoà, đầm ấm. Tuy nhiên tôi buộc mình phải có ý kiến phản hồi cách đưa tin của bài báo này. Bài báo chỉ hoàn toàn nói lên cái chết của anh T. là do cách đối xử không đúng của anh đối với con gái. Tôi có thể thông cảm được cho cảnh khổ tâm của cô bé Tr. khi bị cha đối xử quá khắt khe. Nhưng tôi không thể nào tha thứ được cho hành vi bất hiếu của Tr. Mặc dù tôi có thể tưởng tượng được rằng hiện nay Tr. đang đối mặt không chỉ với bản án luật pháp xã hội mà còn phải đối mặt với lương tâm. Tội giết cha, cho dù chỉ là hậu quả của một phút nông nổi, sẽ ám ảnh lương tâm Tr. suốt cuộc đời còn lại. Bài báo chỉ phản ánh một chiều mà không có một tiếng nói gì khác góp phần điều chỉnh hành vi của con cái.

Lâm Phước Hoà (lamphuochoa@gmail.com)

 

Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi.

Bị đẩy vào chân tường, nhưng không thể hành xử như thế. “Công cha như núi thái sơn” là đạo lý, là nhân cách của con người Việt Nam cho dù là ai, cương vị gì chúng ta vẫn phải xem đây là tuyên ngôn trong cuộc sống gia đình Việt Nam. Do yếu tố truyền thống và điều kiện xã hội, hiện tại đa số gia đình Việt Nam còn phải chung sống với nhau trong một gia đình có nhiều thế hệ. Mặc dù thế, việc xung đột giữa các thế hệ vẫn chưa phải là vấn đề nghiêm trọng, đôi khi chính mô hình này các thành viên trong gia đình còn giúp đỡ nhau rất nhiều trong cuộc sống, như truyền thống gia đình, kinh nghiệm sống và kể cả nhân sinh quan. Cũng có thể đâu đây trong cuộc sống đã, đang xảy ra đối kháng giữa các thế hệ, nhưng có thể đây là một trong những trường hợp hiếm hoi, con cầm dao giết cha một cách kiên quyết như thế. Nếu bố tiếp tục đánh, con sẽ giết bố. Hùm dữ không nỡ ăn thịt con, cho dù con mình có lầm lỗi thế nào cha mẹ cũng sẵn sàng tha thứ, và yêu thương con như chưa bao giờ xảy ra vấn đề gì. Rồi đây, tòa án nhân dân sẽ khép lại một vụ án, nhưng tòa án lương tâm sẽ không bao giờ khép lại. Bà con phường Mai Động quận Hoàng Mai, Hà Nội sẽ đưa tiễn người cha xấu số về nơi yên nghỉ cuối cùng, và cũng tiễn một đứa con về một nơi dành cho một con người nông nỗi ngồi suy ngẩm lại mình trong mùa Vu Lan báo hiếu.

Nguyễn Văn Bé (nguyenvanbe@cantho.gov.vn)

 

Không nên có hành vi thái quá đối với cha mẹ

Sinh năm 1985, tôi không còn là trẻ con nhưng cũng chưa hẳn là người lớn, tôi chỉ đang ở ngưỡng cửa của sự trưởng thành. Với tư cách là một người con, cho dù giữa tôi và cha mẹ có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, nếu phải cãi lại đến cùng hay phải bỏ nhà mà đi thì tôi cũng sẵn sàng làm điều đó, nhưng nếu bảo tôi chửi tục hay có những hành vi thái quá với cha mẹ thì tôi không thể làm được vì tôi là phận làm con. Nhiều người nghĩ người cha này gia trưởng, áp đặt và tôi cũng cảm nhận được điều đó, nhưng hành động của con gái đối với cha như vậy thật không thể nào tưởng tượng nổi.

 

Ám ảnh lương tâm suốt đời

Có thể thông cảm được cho cảnh khổ tâm của cô bé Tr. khi bị cha đối xử quá khắt khe, nhưng thật khó tha thứ được cho hành vi bất hiếu của Tr. Mặc dù tôi có thể tưởng tượng được rằng hiện nay Tr. đang đối mặt không chỉ với bản án luật pháp xã hội mà còn phải đối mặt với lương tâm. Tội giết cha, cho dù chỉ là hậu quả của một phút nông nổi, sẽ ám ảnh lương tâm Tr. suốt cuộc đời còn lại.

Lâm Phước Hòa (lamphuochoa@gmail.com)

 

Cha mẹ phải là bạn của con

Cuộc sống bây giờ rất nhiều phức tạp, cha mẹ phải là bạn của con - tranh thủ trò chuyện với con mọi lúc, có như vậy mới biết thông tin của các cháu, hướng các cháu có suy nghĩ và hành động đúng. Nhiều gia đình cho rằng để các cháu “chat” nhiều là nguy hiểm, nhưng theo tôi, ngày xưa chúng ta có thể đến nhà nhau để học nhóm, bây giờ các cháu không thể, nếu muốn trao đổi với nhau không thể dùng điện thoại được vì chỉ trao đổi được với một bạn, còn khi “chat” thì mở được vô số cửa sổ để trao đổi. Con trai tôi nhiều khi làm bài tập với rất nhiều bạn để tìm cách giải một vấn đề qua “chat”. Như vậy, việc quan trọng nhất chúng ta nên làm là hãy hiểu và định hướng cho con. Tôi vừa làm việc Nhà nước, lo công việc gia đình, lại làm gia sư cho các con và vừa kinh doanh riêng nữa nhưng vẫn dành thời gian gần gũi với các con và nhẹ nhàng uốn nắn chúng. Đừng nên cho rằng vì xã hội mà con mình hư hỏng...

Trương Thị Phương Thảo (pthao177@yahoo.com.vn)