Lá điều cũng bị tận thu!

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, với kiểu thu mua này, không loại trừ có cả âm mưu phá hoại sản xuất

Lá điều khô được thu mua ở Đồng Nai với giá 1.000 đồng/kg. Nhiều người lo ngại tình trạng này có thể khó kiểm soát lưu dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái, mất chất dinh dưỡng của đất và thậm chí khiến nhiều người dân hái lá điều xanh để bán.

img

Nhộn nhịp tại một điểm thu mua lá điều khô tại huyện Định Quán

Người lớn, trẻ em cùng thu gom

Ngày 26-11, chúng tôi có mặt tại xã Gia Canh, huyện Định Quán - Đồng Nai, gặp nhiều em nhỏ đi cùng nhau, tay xách theo những bao bố, lang thang khắp các vườn điều rộng bao la để thu gom lá. Sau khi chất đầy một vài bao tải, những em này tập kết lá ở gần nhà mình rồi đem đi bán cho một “đầu nậu” trên địa bàn.

Em Lê Hoài Thương, học sinh lớp 5 một trường tiểu học ở huyện Định Quán, cho biết tranh thủ những ngày chủ nhật và các buổi nghỉ học, em đi gom lá khô như thế này cũng kiếm được khoảng 20.000 đồng/ngày để giúp mẹ. Toàn, một học sinh tiểu học, khoe do siêng năng, “làm việc cật lực” nên có ngày em kiếm được 30.000 - 40.000 đồng.

Không chỉ trẻ con, người lớn cũng đua nhau đi gom lá điều. Ông Trần Hiếu, ngụ xã Gia Canh, cho biết thời gian này đang rảnh rỗi, sẵn có một “nguồn lợi” như thế nên cũng “chớp lấy cơ hội” kiếm thêm. Nhiều nhà gom mỗi ngày đến mấy xe công nông lá điều khô.

Ngoài xã Gia Canh, các xã lân cận cũng ồ ạt thu gom lá điều khô. “Lá điều cũng chẳng để làm gì, thôi thì có người mua thì mình gom bán” - một người nói.

Chưa rõ mục đích!

Tại một điểm thu mua ở xã Gia Canh, chúng tôi chứng kiến những bao tải nén chặt lá điều chất thành đống cao ngất. Cạnh đó là hàng đống lá vụn đang được ủ chờ phân hủy. Bà chủ điểm thu mua tên Hiền cho biết: “Mỗi ngày, tôi thu mua hơn 5 tấn lá, ủ mục nát để chờ một người đã đặt hàng đến lấy”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi những người đặt hàng là ai, họ mua để làm gì, bà Hiền không trả lời.

Theo UBND xã Gia Canh, chính quyền địa phương đã ghi nhận hiện tượng người dân gom lá điều khô đem bán trên địa bàn. Tuy nhiên, xã không thể can thiệp được mà chỉ động viên bà con đừng nên bán lá khô gây mất chất dinh dưỡng cho cây trồng trong quá trình sinh trưởng. Một cán bộ UBND huyện Định Quán cho hay hiện địa phương đang phối hợp với các cơ quan an ninh để làm rõ mục đích thu mua lá điều khô và những tác động của việc này với đời sống người dân.
Theo vị cán bộ này, việc thu mua lá khô trước mắt chưa gây những tác động cụ thể nhưng có thể kéo theo các hệ lụy như người dân hám lợi sẽ chặt lá điều non, xanh đem bán; nguồn dinh dưỡng cho cây trồng sẽ cạn kiệt.

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, nhận định trước tình trạng thu mua lá điều khô bất thường như vậy thì người dân cũng như các đơn vị chức năng cần phải cảnh giác. “Với kiểu thu mua này, không loại trừ có cả những âm mưu nhằm phá hoại sản xuất” - ông Đạo nói.

Thu mua nhiều lá, rễ cây khác

Theo bà Nguyễn Thị Dòn, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Định Quán, thời gian qua, tại địa phương không chỉ có hiện tượng thu mua lá điều một cách bất thường mà thỉnh thoảng còn xuất hiện tình trạng mua lá, rễ của các cây nhãn, vải, sim… để bán cho thương lái, gây hoang mang trong nhân dân. “Thấy có giá cao, một số người đã tận thu lá, rễ để bán cho thương lái gây hư hại cây trồng” - bà Dòn lo lắng.