Lắng nghe người dân hiến kế: Phát triển kinh tế từ cảng và đường sắt

Với vị thế đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP HCM cần quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cảng - công nghiệp; phát triển thành đầu mối giao thương đường sắt...

. Bạn đọc LÊ NỮ KIM CƯƠNGPhát triển đô thị cảng - công nghiệp

Với lợi thế bờ biển trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam có tiền đề vững mạnh để quy hoạch các đô thị cảng biển để phát triển kinh tế. Trong đó, TP HCM nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ, phát triển đô thị - cảng biển quốc tế chính là cách giữ vững thương hiệu và đầu tàu kinh tế.

Hạt nhân của đô thị cảng biển TP HCM là cảng Sài Gòn, một hệ thống cảng biển lớn nhất ở Việt Nam có vị trí chiến lược trong việc phát triển kinh tế, đóng vai trò là cửa ngõ quốc tế của cả nước trong các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Cụm cảng Sài Gòn bao gồm các khu bến cảng: Hiệp Phước trên sông Soài Rạp; Cát Lái trên sông Đồng Nai; Tân Cảng, Bến Nghé, Khánh Hội, Nhà Rồng, Tân Thuận.

Việc quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cảng - công nghiệp ở TP HCM có thể trở thành đô thị động lực của quốc gia với các hình thái: đô thị biển - trung tâm kinh tế thương mại cảng; đô thị biển - trung tâm kinh tế và du lịch; đô thị biển - trung tâm đa chức năng lớn; đô thị du lịch biển… Trong đó, cần tập trung vào những điểm chính sau:

Dịch vụ du lịch: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm; hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, giải trí chất lượng cao, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của vùng miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế.

Kinh tế hàng hải và cảng biển: Phát triển hệ thống cảng biển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Muốn vậy, phải thực hiện được các nguyên tắc: bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái ven biển; phân vùng phát triển và khai thác hợp lý các không gian trong quy hoạch và quản lý đô thị; xây dựng được hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị thích hợp, hiện đại, kết nối đồng bộ cả khu vực đô thị hiện hữu và xây mới; bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả nhưng không phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên của khu vực.


Lắng nghe người dân hiến kế: Phát triển kinh tế từ cảng và đường sắt - Ảnh 1.

Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

. Bạn đọc BÙI THANH TƯƠNG QUAN:

Đầu mối giao thương đường sắt phía Nam

Đường sắt là một là loại hình vận tải đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội. Với vị thế đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP HCM cần phải phát triển thành đầu mối giao thương đường sắt.

Trong hệ thống cơ sở hạ tầng logistics quốc gia, vận tải đường sắt luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh lợi thế loại hình vận chuyển được đánh giá có độ tin cậy cao về an toàn, giá cước rẻ và khối lượng vận tải lớn, đường sắt còn đóng vai trò rất quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà phương thức vận tải đường sắt tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đang dần đánh mất vị thế vốn có. Đặc biệt, chưa tham gia sâu rộng vào dịch vụ logistics, làm cho vận tải đường sắt kém hấp dẫn và ngày càng mất đi thị phần.

Theo "Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050" vừa được Bộ Giao thông Vận tải công bố, trong tương lai, TP HCM sẽ là điểm đi và đến của nhiều tuyến đường sắt mới: tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; TP HCM - Cần Thơ; TP HCM - Lộc Ninh; Thủ Thiêm - Long Thành; TP HCM - Tây Ninh… TP HCM sẽ là đầu mối đường sắt quốc gia khu vực phía Nam. Trong đó ga Sài Gòn vẫn là điểm cuối tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM hiện có; ga Thủ Thiêm là điểm cuối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Để khai thác lợi thế của vận tải đường sắt nhằm phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng…, các tuyến đường sắt tại TP HCM trong tương lai phải được khai thác sử dụng dưới dạng vận tải đa phương thức, kết nối dễ dàng hơn nữa với đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không…

Hơn thế nữa, các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần nhìn nhận, đánh giá đúng mức vị trí quan trọng của đường sắt đối với sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để có những quyết sách táo bạo, đặc thù nhằm phát triển đột phá. Theo đó, cần phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm, trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn; phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài. Tập trung khai thác tối đa năng lực mạng đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại kết nối cảng biển cửa ngõ, các trung tâm kinh tế lớn.

Chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Đặc biệt, sớm công bố quy hoạch tổng thể mạng lưới đường sắt, từ đó lập quy hoạch sử dụng đất cho phát triển đường sắt, nhất là quỹ đất ở các ga đầu mối. Một điểm cần chú trọng nữa là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với những chính sách đãi ngộ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo…

Mời gửi bài dự thi

Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?

Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.

Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.