Lay lắt trong khu tái định cư: Phải thay đổi tư duy

Chính sách tái định cư còn nặng tư duy bao cấp, dùng quyền lực; năng lực tổ chức thực hiện yếu kém, chỉ chú trọng đến nhà ở mà lơ là các yêu cầu về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh...

Dưới đây là những trao đổi của TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và Đô thị với phóng viên Báo Người Lao Động, về những bất hợp lý trong tái định cư (TĐC) hiện nay.

Phóng viên: TĐC là một vấn đề lớn của quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Theo ông, đâu là những điều chưa hợp lý trong chính sách TĐC hiện nay?

- Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm: Trước hết phải thấy rằng TĐC ở các đô thị không chỉ tác động đến cuộc sống của những hộ dân phải di dời mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư cạnh nơi thu hồi đất và cả nơi tiếp nhận người TĐC. Người dân bị thu hồi đất để làm các dự án xây dựng công trình sự nghiệp công, khu đô thị mới, khu nhà ở, cầu đường, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị... và cả cho dự án TĐC.

 

TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và Đô thị
TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và Đô thị

 

Những bất cập trong TĐC ở đô thị hiện nay liên quan đến các tranh chấp về chi phí bồi thường và hỗ trợ TĐC; một số chung cư TĐC có chất lượng xây dựng thấp; khu TĐC thiếu hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà và hạ tầng xã hội như chợ, trường học... Đặc biệt, các khu TĐC thường ở ven nội thành, thậm chí ra ngoại thành khiến người đến ở bị tách xa địa bàn mưu sinh quen thuộc dẫn đến tình trạng người dân rời bỏ khu TĐC.

Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến những bất cập nêu trên?

- Đó là do chính sách thu hồi đất, trong đó có chính sách TĐC còn nặng tư duy bao cấp, dùng quyền lực; năng lực tổ chức thực hiện yếu kém. Tuy Luật Đất đai năm 2013 đã có những quy định nhằm hạn chế các bất cập trước đây nhưng chính sách thu hồi đất và TĐC nước ta vẫn cần được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa. Chẳng hạn, điều 62 quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, lại quy định các loại dự án cần thu hồi đất theo quyết định của các cấp có thẩm quyền mà không đòi hỏi phải chứng minh dự án đó được đầu tư vì lợi ích quốc gia, công cộng như thế nào, nhất là các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận.

 

Từ khi giao đất về chung cư C4, vợ chồng bà Võ Thị Luông không có việc làm, phải xin ban quản lý chung cư đặt một chiếc tủ dưới tầng trệt bán tạp hóa kiếm sống Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Từ khi giao đất về chung cư C4, vợ chồng bà Võ Thị Luông không có việc làm, phải xin ban quản lý chung cư đặt một chiếc tủ dưới tầng trệt bán tạp hóa kiếm sống Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG

 

Bên cạnh đó, nhà TĐC là dạng nhà bao cấp được đầu tư bằng vốn nhà nước rồi phân phối cho người dân TĐC, tức là dù chất lượng kém hoặc vị trí không thích hợp thì người dân vẫn phải chấp nhận. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện dự án TĐC chỉ chú trọng đến nhà ở mà lơ là chỗ ở thích hợp. Họ lại càng không để ý đến các yêu cầu khác của việc định cư như bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh... Người làm công tác TĐC thường là các công chức chưa được trang bị kiến thức cần thiết và thiếu cả động lực hoàn thành nhiệm vụ, lề lối làm việc thiếu minh bạch.

Theo ông, nhà nước cần làm gì để giúp người bị thu hồi đất ổn định cuộc sống?

- Tôi nghĩ các dự án thu hồi đất ở cần được sự đồng thuận của cộng đồng về lợi ích quốc gia, công cộng. Phải xem những người có đất và tài sản bị thu hồi có đóng góp vào phát triển quốc gia, có quyền được hưởng lợi từ kết quả phát triển, tương tự như bên bỏ vốn đầu tư, chứ không chỉ đơn thuần là những người bị hại được bồi thường đúng giá, khi cần thì được “hỗ trợ” chút ít. Thêm vào đó, nhà nước nên hạn chế các khu TĐC ở trong đô thị, trường hợp bất khả kháng thì khu TĐC phải là khu đô thị đa chức năng. Các dự án phát triển khu đô thị mới phải ưu tiên TĐC tại chỗ cho người dân có nguyện vọng.

Ngoài ra, tiền bồi thường gồm 3 phần: giá đất ở, giá tài sản và chi phí di chuyển tính theo thời giá để xét đến quyền được hưởng lợi ích phát triển. Đối với hộ có diện tích ở dưới 10 m2/người thì tổng số tiền bồi thường phải đủ để mua nhà có diện tích phù hợp tiêu chuẩn đó.

 

Tái định cư bền vững

Ngân hàng Thế giới năm 2001 đã đưa ra văn kiện OP 4.12 về chính sách TĐC không tự nguyện (được rà soát bổ sung năm 2013) để làm điều kiện tài trợ cho các dự án phát triển, trong đó nêu 3 mục tiêu chính sách. Một là, TĐC không tự nguyện cần được tránh khi có thể hoặc giảm thiểu bằng cách khai thác mọi phương án thiết kế khả thi khác của dự án. Hai là, trong trường hợp bất khả kháng, các hoạt động TĐC phải được quan niệm và thực hiện như những chương trình phát triển bền vững, được cung ứng đủ nguồn đầu tư nhằm tạo điều kiện cho những người phải di chuyển cũng được hưởng lợi ích từ dự án. Ba là, cần trợ giúp những người bị di chuyển nhằm cải thiện sinh kế và mức sống của họ hoặc chí ít là khôi phục lại bằng mức thực tế trước di chuyển hoặc trước khi thực hiện dự án, tùy theo mức nào cao hơn.