Những vụ học sinh tự tử xảy ra liên tiếp gần đây cho thấy một vấn đề xã hội của trẻ em cần được quan tâm. Các chuyên gia tâm lý cho rằng hành vi nghĩ về, có ý định hoặc thực hiện việc tự tử là biểu hiện của vấn đề về sức khỏe tâm thần của mỗi cá nhân, cụ thể là của chứng trầm cảm. Các vụ tự tử của học sinh gần đây cho thấy có nguyên nhân từ sức khỏe tâm thần của các em chưa được quan tâm, chăm sóc kịp thời nên đã xảy ra những cái chết rất đáng tiếc, thương tâm.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội:
Tôi nghĩ đó là thực trạng đáng báo động. Dường như những câu chuyện đau lòng liên quan tới tuổi học đường vừa qua đã khiến nhiểu người trong số chúng ta ngày càng ý thức nhiều hơn về khái niệm “sức khoẻ tâm thần”. Phải thừa nhận vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh đã và đang hiện hữu; đồng thời hiểu rõ hơn sự nghiêm trọng của việc chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho con trẻ.
Những phản ứng tiêu cực của con trẻ khiến chúng ta phải nhìn nhận lại sự quan tâm của chúng ta đang dành cho trẻ em. Có thể ai cũng hiểu cần quan tâm và yêu thương trẻ nhưng quan tâm đến mức độ nào là đủ, quan tâm như thế nào cho đúng cách thì không phải ai cũng làm được. Vì vậy, chúng ta đã không cảm nhận được biểu hiện tổn thương tâm lý của trẻ. Bên cạnh đó, đối với người làm bố làm mẹ, thật khó để chấp nhận việc con mình đang có vấn đề về sức khoẻ tâm thần.
Nhưng thực tế cho thấy, đã đến lúc cần đối diện sự thật rằng đang có vấn đề về sức khoẻ tâm thần ở học sinh; từ đó nhìn nhận đầy đủ hơn, tìm ra căn nguyên cũng như giải pháp khắc phục tình trạng này. Đối với vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh, phòng ngừa là chính, cần phát hiện sớm, can thiệp ngay trước khi quá muộn.