Người đồng tính gặp nhiều cản ngại

Đa phần người đồng tính đều muốn kết hôn và được pháp luật bảo vệ; hơn 50% “cố gắng” kết hôn dị tính đã phải ly hôn sau một thời gian chung sống vì không hạnh phúc

Kết quả cuộc điều tra đầu tiên về hôn nhân đồng giới ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng nhiều chuyên gia xã hội học tiến hành đã được công bố ngày 14-5 tại Hà Nội.

Đủ mọi ngành nghề

Điều tra học vấn với trên 3.000 người đồng tính nam và 2.000 người đồng tính nữ trong 2 năm 2009 - 2010, iSEE nhận thấy trình độ học vấn của họ khá cao: 68% nam và 70% nữ có trình độ trung cấp, CĐ và ĐH. Tại cuộc khảo sát với đồng tính nữ trong năm 2013 cũng cho thấy hơn một nửa có trình độ học vấn từ ĐH trở lên.
 
img
Thông tin về cuộc sống của những cặp đôi đồng tính thu hút rất đông người xem

Kết quả khảo sát cũng cho biết người đồng tính làm trong doanh nghiệp tư nhân chiếm phần đông (khoảng 24%), cơ quan hành chính sự nghiệp (13%), các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài là 14,3%. Trong đó, người đồng tính làm nghề dịch vụ khách hàng chiếm nhiều nhất (18%), tiếp đến là văn hóa - nghệ thuật, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, dịch vụ công, quản lý hành chính, sản xuất công nghiệp, thể thao.

“Định kiến cho rằng chỉ có lĩnh vực văn hóa văn nghệ và giải trí mới có nhiều người đồng tính là sai lầm” - TS Nguyễn Thu Nam (cán bộ Khoa Dân số và Phát triển, Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế) - thành viên nhóm nghiên cứu - khẳng định. Thực tế cho thấy người đồng tính làm việc trong tất cả các ngành nghề như một xã hội thu nhỏ. Họ thường thể hiện mình nhiều hơn trong lĩnh vực “mở” nên xã hội có cảm giác lĩnh vực giải trí tập trung đông người đồng tính nhất.

Đáng lưu ý, có tới 95% người đồng tính nam được hỏi nói rằng đã từng nghe người khác nói người đồng tính là không bình thường; 20% đã bị mất bạn vì đồng tính, 15% bị gia đình chửi mắng, đánh đập. Nghiêm trọng hơn, 4,5% đã bị tấn công, 4,1% bị đuổi khỏi chỗ ở và có tới 6,5% người mất việc khi bị phát hiện là người đồng tính.

Mong muốn kết hôn đồng giới

92% trong số 2.401 người đồng tính nữ được iSEE hỏi đã nói rằng muốn được pháp luật cho phép kết hôn cùng giới. Điều tra tương tự của Trung tâm Nghiên cứu về người đồng tính ICS (TPHCM) thực hiện với 2.000 người đồng tính nam và đồng tính nữ cũng cho thấy 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn đồng giới, 25% muốn được sống chung có đăng ký và 4% muốn được sống chung không đăng ký. 62% số người được hỏi nói rằng đang có hoặc đã từng có người yêu; 77% người đồng tính nữ khẳng định họ muốn kết hôn và có con.

Theo ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE, kết quả cuộc điều tra cũng cho thấy những người đồng tính cố gắng kết hôn dị tính vì sức ép từ phía gia đình, muốn có con để nối dõi đã gặp phải một bi kịch khác: 52% sau đó ly hôn vì không thấy hạnh phúc. Vợ (chồng) hoặc gia đình của họ không chấp nhận việc họ đồng tính… Xu hướng bị ép kết hôn dị tính chủ yếu xảy ra ở vùng ngoại ô hoặc nông thôn hơn là khu vực thành thị và ở phía Bắc nhiều hơn phía Nam.

TS Nguyễn Thu Nam cho biết các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam gần đây đã chỉ ra rằng hôn nhân cùng giới không ảnh hưởng đến phát triển dân số, quan niệm về thể chế gia đình truyền thống và sự phát triển của trẻ em. Ngược lại, việc hợp pháp hôn nhân ở các nước còn mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, bình đẳng giới và hòa hợp xã hội. Việc ban hành các quy định mới trong luật pháp ở Việt Nam cần được tiến hành song song với các hoạt động đánh giá tác động, nâng cao nhận thức để xã hội hiểu và đón nhận.
 

Chấm dứt bạo lực

Ông Lê Quang Bình cho biết năm 2011-2012, vấn đề quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (thuật ngữ chuyên môn viết tắt là LGBT) đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Vào tháng 3-2011 đã có 85 nhà nước và vùng lãnh thổ cùng ký vào bản Tuyên bố chung về việc chấm dứt các hành động bạo lực và bản dạng giới (SOGI). Tháng 6-2011, một bản nghị quyết đề cập bạo lực với người LGBT đã được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua.

Ông Bình cho biết kết quả điều tra xã hội học về hôn nhân đồng giới sẽ được gửi tới các cơ quan chức năng liên quan để góp phần thay đổi suy nghĩ của các nhà làm luật khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân sự…