Nhăm nhe lấp vịnh Nha Trang

Danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhiều lần bị doanh nghiệp định lấp để làm bãi tắm, khu du lịch

Hiện nay, khu Bãi Tiên (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) với ngọn núi đá xanh đen nhô ra vịnh Nha Trang từng một thời là địa điểm lý tưởng của các đôi uyên ương chụp ảnh cưới, giờ đã nằm trong Khu Du lịch Amiana thuộc Công ty TNHH Hồ Tiên. Ngọn núi đã bị khu du lịch này phá để tạo đường phục vụ khu du lịch vào cuối năm 2013. Sau khi công việc hoàn thành, để vào được đây phải là người giàu có hoặc có giấy giới thiệu riêng - như lời ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Khánh Hòa, dự án Khu Du lịch Amiana có diện tích 42.470 m2 với nhiều hạng mục như: 19 bungalow (nhà nghỉ độc lập); 1 CLB thể thao lặn biển, leo núi; 1 nhà hàng; 1 nhà trung tâm… với tổng mức đầu tư 84,5 tỉ đồng. Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 9-2011.

Bãi biển nhân tạo của khách sạn Mường Thanh - Nha Trang đã bị phá sản vì sóng cuốn hết cát
Bãi biển nhân tạo của khách sạn Mường Thanh - Nha Trang đã bị phá sản vì sóng cuốn hết cát

Không chỉ có dự án trên, ngày 27-7-2013, dù chưa chính thức có giấy phép nhưng chủ dự án khách sạn Mường Thanh - Nha Trang, thuộc Tập đoàn Mường Thanh, vẫn tự ý lấp khu vực biển Hòn Một (phường Vĩnh Hòa) để làm bãi tắm. Doanh nghiệp này cải tạo 38.500 m2 bờ biển khu vực Vĩnh Hòa, đổ bù cát xuống biển với diện tích 35.000 m2. Tuy nhiên hiện tại, dự án này đã bị “phá sản” vì mùa mưa 2013, toàn bộ số cát đã bị sóng biển cuốn trôi.

Trước đó, tháng 11-2011, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trọng Điểm (Focus Travel) cũng tự ý lấp vịnh Nha Trang làm công viên bến du thuyền quốc tế tại khu vực biển trên đường Phạm Văn Đồng (phường Vĩnh Hòa). Công ty này bị Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa xử phạt 25 triệu đồng về hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Số đất đá san lấp vịnh Nha Trang hiện nay vẫn còn đó, chưa được hoàn trả nguyên trạng.

Tiến sĩ Lê Đình Mầu, Viện phó Viện Hải dương học (TP Nha Trang), cho rằng trên thế giới, việc lấn biển cũng diễn ra ở một số nước thiếu đất đai nhưng họ có công nghệ xử lý môi trường cũng như được tính toán, thiết kế rất cẩn thận. Còn ở nước ta, đa số việc lấn biển đều do các doanh nghiệp đề xuất, do đó cơ quan quản lý cần phải tính toán hài hòa, tránh phá vỡ cảnh quan, môi sinh, môi trường.

Theo ông Bùi Mau - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Chủ tịch CLB Vịnh đẹp Nha Trang - việc xây dựng, cải tạo dọc bờ biển cần phải tính toán, nghiên cứu một cách có khoa học để tránh những tác động tiêu cực. Phát triển phải đi đôi với bảo tồn.