Sợ quá bác sĩ... vườn

Thông tin 30% sinh viên y khoa hệ cử tuyển ở lại lớp do chính Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đưa ra làm nhiều người phải giật mình. Giật mình vì chất lượng đào tạo quá kém, vì sức khỏe, thậm chí là sinh mạng của người dân bị xem nhẹ.

Thử tưởng tượng những bác sĩ kém chất lượng này mà đảm nhiệm việc chăm sóc sức khỏe của hàng chục ngàn người dân ở những vùng sâu, vùng xa thì quả là đáng ngại. Chỉ cần một sơ suất trong chuyên môn, một đánh giá sai lầm, một chút lơ đãng về trách nhiệm... thì hậu quả sẽ không nhỏ, có khi phải trả giá bằng chính sinh mạng người dân.

Càng ở vùng sâu, vùng xa, cơ hội sửa chữa những sai lầm càng nhỏ vì không đủ thời gian để bệnh nhân tiếp cận với những trung tâm y tế hoặc bệnh viện lớn. Không phải ngẫu nhiên mà người dân thường gọi bác sĩ diện này là bác sĩ... vườn. Thực tế đã có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra liên quan đến tay nghề của những bác sĩ yếu kém.

Không chỉ bác sĩ được đào tạo theo diện cử tuyển ít được đánh giá cao mà nhiều loại hình đào tạo khác ngoài hệ chính quy cũng rất đáng lo ngại. Tất nhiên không thể đánh đồng tất cả nhưng những người làm chuyên môn ngầm hiểu rằng có rất nhiều vấn đề đối với bác sĩ thuộc diện đào tạo không chính quy.

Tôi có người bạn nằm trong ban lãnh đạo một bệnh viện ở tỉnh Bình Thuận. Thời gian qua tại các huyện của tỉnh cử rất nhiều y sĩ học tiếp đại học y khoa theo diện không chính quy. Anh ta nói thẳng: Không dám mạo hiểm sử dụng những bác sĩ này vào các vị trí quan trọng, liên quan trực tiếp đến bệnh nhân, nhất là ở những khoa trọng yếu như tim mạch, cấp cứu... Ở những khâu này nếu tay nghề có chút vấn đề sẽ dễ xảy ra chuyện đau lòng. “Tạo điều kiện cho anh em học xong đại học chủ yếu để có cái bằng mở phòng mạch tư, chăm sóc sức khỏe ban đầu chứ về mặt chuyên môn có rất nhiều chuyện đáng nói” - vị bác sĩ này cho biết.