Tiền cũ đâu có sao

Cuối năm, dù bận bịu trăm công ngàn việc, tất tả ngược xuôi lo kiếm tiền tiêu Tết nhưng ai cũng đau đáu một “nỗi lo” riêng.

Đó là làm sao đổi được tiền lẻ còn mới để lì xì, đi lễ chùa. Nhất là nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước hạn chế “bung” ra thị trường tiền mệnh giá nhỏ, như năm nay không in và phát hành thêm các loại tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống nên việc “săn lùng” tiền lẻ còn mới càng trở nên khó khăn. Người ta tận dụng các mối quan hệ quen biết với nhân viên ngân hàng, thủ quỹ cơ quan, công ty để nhờ vả, mong đổi được một ít. Không quen biết ai thì đành tặc lưỡi đi đổi ở các “chợ tiền” với phí cắt cổ. Ví dụ, lệ phí đổi tiền mới mệnh giá 500 đồng là từ 25%-30%; 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng thì trên, dưới 25%; các mệnh giá tiền 10.000 đồng, 20.000 đồng là từ 10%-15%...

Làm một phép tính đơn giản, nếu một người cần lượng tiền mới mệnh giá nhỏ các loại khoảng 1 triệu đồng, số lệ phí đổi bị chiết khấu khoảng trên 200.000 đồng. Con số hơn 200.000 đồng bị mất đi ấy không quá lớn nhưng nhiều người cùng đổi, có người cần đến hàng chục triệu đồng thì số phí đổi bị hao hụt là cực lớn. Đó là chưa nói đến nếu thị trường khan hiếm, những kẻ buôn tiền còn nâng phí đổi lên cao nữa.

Thiết nghĩ, dùng tiền cũ để lì xì, đi lễ chùa đầu năm mới cũng đâu có sao (!?). Bởi điều cần nhất là cái tình, cái tâm cùng những ý niệm tốt đẹp mà chúng ta gửi gắm ở trong đó... Nếu mỗi người nhận thức được như vậy sẽ không còn nhu cầu đổi tiền lẻ, từ đó tình trạng cung ứng đổi tiền lẻ lấy chênh lệch sẽ tự động chấm dứt.