Vấn đề cốt lõi là ý thức

Tham gia giao thông ở Việt Nam, dù còn đèn xanh, không ít lần tôi phải đi chậm lại hết mức, chủ động nhường đường cho một số người vượt đèn đỏ.

Câu chuyện giao thông tại Việt Nam lại nóng lên xung quanh cuộc tranh luận về giải pháp làm sao giải tỏa giao thông, tránh ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Từ đây, cuộc "khẩu chiến" giữa người đi ô tô và xe máy lại bắt đầu khi TP HCM dự định cấm xe máy đi lên cầu vượt thép Cộng Hòa và Hoàng Hoa Thám. Người ta đặt câu hỏi ô tô hay xe máy mới là nguyên nhân gây nên cảnh tắc đường? Phải cấm xe máy hay hạn chế ô tô để giảm thiểu ùn tắc ở những điểm nóng cố hữu này?

Tham gia giao thông ở Việt Nam, dù còn đèn xanh, không ít lần tôi phải đi chậm lại hết mức, chủ động nhường đường cho một số người vượt đèn đỏ.

Đến ngã ba, ngã tư, tuy là đường ưu tiên, tôi vẫn phải đi chậm lại để nhường cho một số người không được ưu tiên, chỉ vì xe của họ đã vào trước một giây.

Điển hình nhất là cầu vượt Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa, đoạn lên cầu vượt chỉ đủ cho 1 ô tô nhưng nhiều người không chịu xếp hàng, mà cứ chen ngang, nhiều ô tô lấn qua làn xe máy, bấm còi đòi đường...

Thực tế rất nhiều người đi xe máy lẫn người lái ô tô đều lái xe tùy tiện như nhau. Chuyện vi phạm luật giao thông, vì thế, cũng không phải thói quen của riêng bên nào. Xe máy lấn làn, chạy ngược chiều, leo vỉa hè, vượt đèn đỏ, thì ô tô cũng có đủ những vi phạm tương tự. Tranh cãi sẽ chẳng bao giờ đi đến hồi kết vì bên nào cũng có lý của mình.

Vấn đề cốt lõi ở đây là phải làm sao hạn chế được tối đa tình trạng vi phạm giao thông, bởi đó mới là mầm mống gây nên tắc đường. Có 3 điểm mấu chốt ở đây, nếu CSGT làm được, giao thông sẽ trở nên dễ thở hơn rất nhiều:

Nguyên tắc ưu tiên làn đi thẳng, một người rẽ trái cũng phải chờ (giống như văn hóa xếp hàng của người Nhật vậy).

Những con đường nhỏ, bắt buộc ô tô (phương tiện chiếm nhiều không gian trên mặt đường hơn so với xe máy) phải xếp hàng, đi theo quy định trên một làn.

CSGT không nên chỉ tập trung bắt người vi phạm mà để cả một ngã tư đan xen các dòng xe cộ, ùn ứ. Đặc biệt, phải nghiêm khắc với những hiện tượng cố tình lấn làn. Hãy để việc bắt lỗi, xử phạt cho camera phạt nguội.

Dĩ nhiên không có giải pháp nào làm hài lòng tất cả mọi đối tượng. Cấm xe máy, hạn chế ô tô, chắc chắn không ít người sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến lợi ích cá nhân. Có điều không làm thì cả nước, mọi lĩnh vực sẽ phải gánh chịu hậu quả lâu dài. Thay đổi ban đầu luôn luôn khó nhưng nếu là bắt buộc để tạo đà cho những phát triển trong tương lai thì nó hoàn toàn xứng đáng.