Xôn xao gió bấc

Nếu cái đẹp là phẩm chất thẩm mỹ thắp lên những hồi quang soi rọi lung linh từng ký ức, thì với tôi, đã bao lần hò reo cùng pháo hoa đón giao thừa bên bờ sông Hàn là bấy nhiêu lần tôi hóa thành Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon đua cùng vô vàn gió bấc trên cánh đồng tuổi thơ của mình.

Hình như những cơn mưa sắc màu pháo hoa trên bầu trời sông Hàn vào thời khắc giao thừa thiêng liêng ấy là thứ ánh sáng màu nhiệm có khả năng nhuộm tươi xanh mọi tâm hồn.

Nhà tôi xưa ở một vùng ngoại ô phía tây Đà Nẵng. Mẹ tôi thời ấy là công nhân ở cảng sông Hàn. Vì thế, con đường thời gian mòn nhẵn những chiều đi đón mẹ về, trong con mắt tuổi thơ ngóng về phía sông Hàn cứ như thăm thẳm đâu tận chân trời. Tôi không còn nhớ rõ đã bao lần phải cuốc bộ từ nhà thẳng liền một mạch đến đường Bạch Đằng, rồi cứ dọc theo công viên bờ sông đến chỗ mẹ làm việc. Nhưng nếu chỉ có những chiều đi đón mẹ như thế không thôi thì sông Hàn mới chỉ là người bạn đường ấu thơ, lấy gì gieo vào tôi những chùm hoa ánh sáng lung linh sắc màu cho mãi tận bây giờ còn chưa tắt. Vâng, còn nhiều hơn thế nữa, đấy là những mùa Xuân tràn ngập bao giấc mơ thả lên trời cùng với những pháo hoa cải, pháo thăng thiên do tự tay ba tôi làm suốt đêm ngày cho cả nhà kịp đốt đón giao thừa.
img
Lung linh sông Hàn. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Thường mỗi dịp Xuân về như thế, ngoài những trái pháo lớn như pháo diều bay, pháo cối xay, pháo thăng thiên phải chính tự tay ba tôi châm lửa đốt, còn những cây pháo hoa cải nhỏ nhắn và dài như cây roi, ba cho chúng tôi tha hồ đốt thâu đêm suốt sáng. Loại pháo nhỏ này tôi không phải chờ đến đêm giao thừa, mà những buổi chiều từ cuối tháng chạp, nghĩa là những ngày nôn nao đợi Tết về, tôi đã đốt cho hoa cải bay sáng những hoàng hôn trên đường đi đón mẹ. Cái quãng đường Bạch Đằng từ đoạn giáp đường Quang Trung ra đến cảng sông Hàn là cả một thiên đường tuổi thơ của tôi. Mà tuổi thơ thì chẳng có gì nôn nao cho bằng đón mẹ và đón Tết! Bao lần Tết đẹp đẽ như thế bây giờ là cả một chân trời cũ càng. Cho đến mãi về sau này, đến hồi tóc bạc, cũng vào những ngày giáp Tết, có lúc lang thang qua những nơi ấy, tôi lại nghe ra gió bấc thổi qua sông như kể lể cùng tôi tất cả. Vào những khoảnh khắc ấy, tôi lại thấy chập chùng hình bóng ba mẹ tôi, cho đến cả lũ trẻ con hàng xóm, cũng mơ hồ hiện ra mờ ảo trong khói pháo bay đầy sông vắng.

Nhưng có một hình bóng  cứ nhạt nhòa hư ảo, vừa lơ thơ vừa xa xăm hoang đường như cổ tích. Cuối cùng rồi tôi cũng nhận ra đấy là cô bé hàng xóm gầy tong teo và đen đúa, chỉ độc có đôi mắt sáng tròn vo chừng như lúc nào cũng ngân ngấn nước mắt. Cũng chẳng rõ vì mến tôi hay thích những cây pháo hoa cải mà đôi chân lũn cũn ấy, cho dù những buổi chiều trời cuối chạp gió bấc đầy sông giá lạnh, cũng cứ chạy theo cùng với tôi đi đón mẹ. Riết rồi thành thân thiết, thành không thể thiếu nhau. Đến độ có lần cô bé kêu mỏi chân đi không nổi, vậy là tôi phải cõng. Những ngày Xuân ấy thần thánh mãi trong trí nhớ của tôi. Những chùm pháo hoa cải nổ lách tách xòe hoa lửa vàng sáng rực cũng vì thế đẹp hơn, lung linh hơn. Đến nỗi có lúc chúng cám dỗ chúng tôi chạy rong chơi lạc đường lạc ngõ, làm mẹ tôi phải hớt hải đi tìm.  Thì ra từ độ tuổi lên mười, tôi đã biết chạy theo tiếng cười giòn tan trong xanh mộng đẹp đến quên cả đường về!

Bây giờ thì  ba mẹ tôi  đã thành người muôn năm cũ. Đà Nẵng từ sau ngày hòa bình, và nhất là từ hơn mười năm trở lại đây, đã thay da đổi thịt từng ngày. Cái xóm nghèo ngoại ô heo hút nơi tôi đã sống suốt một thời thơ dại, giờ lầu đài cao ốc, siêu thị mọc lên, xóa không còn một dấu xưa nào. Cảng sông Hàn - nơi mẹ tôi ngày xưa làm công nhân ở đấy - đã chuyển về bên kia cảng Tiên Sa. Con đường Bạch Đằng và công viên dọc theo bờ sông Hàn đã mở thênh thang ra tận cửa biển, có lẽ đây là gương mặt lộng lẫy và sang trọng nhất không chỉ riêng của Đà Nẵng, mà còn là cả các thành phố ven biển miền Trung. Đà Nẵng đã nhiều lần tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế. Và dòng sông Hàn vào mỗi dịp như thế lại huyền ảo thêm bội phần.

Nhưng, những ngọn gió bấc thổi qua sông luôn là những kẻ hoài cổ. Càng về gần Tết dường như cái thứ gió ấy càng xôn xao hơn. Có vẻ như sức vang hưởng của nó biết níu kéo dòng đời lắng lại, ngừng trôi, để con người có dịp quay về một quê quán tôi xưa nào đó, mà quây quần cùng Tết nhất, cùng mùa Xuân. Tôi cũng vậy, hầu như bao lần đốt pháo hoa đón giao thừa bên sông Hàn cũng đều có tôi dự phần. Sau khoảnh khắc giao thừa, tôi lại tản bộ dọc theo công viên bờ sông. Cái quãng đường ngày xưa ấy, bây giờ thênh thang rực rỡ hoa đèn và tấp nập người du Xuân. Gió bấc lạnh se se từ cửa sông thổi tràn vào, thưa nhặt một thứ nhạc điệu mang âm hưởng vừa mênh mang ngọt ngào vừa tựa như kể lể xa xăm. Bỗng dưng tôi lại nhớ đến một truyện  nào đó của Konstantin Paustovski, đoạn nhà văn kể về tiếng dương cầm kỳ diệu của nhạc sĩ thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart, khi tiếng dương cầm ấy cất lên lan xa đến đâu, ở đó cây khô bỗng ngập tràn sắc hương hoa nở, bao gương mặt thân yêu từ quá khứ hiện về, đêm tối lại ngập tràn ánh sáng từ trời cao chiếu xuống... Gió sông Hàn mà bao lần đêm giao thừa tôi gặp, không là tiếng dương cầm kỳ diệu của Mozart, đấy chỉ người bạn gió bấc quê mùa muôn thuở của tôi. Chỉ có điều kỳ lạ là bao lần đêm giao thừa, khi bầu trời sông Hàn huyền ảo trong cơn mưa sắc màu pháo hoa, là từ vô vàn gió bấc xôn xao ấy, tôi lại gặp lũ lượt ngày xưa quay về!