Xử nghiêm để triệt thói "ăn bẩn"

Những ngày cuối năm 2019, thông tin một số cán bộ, nhân viên của Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội bị phát hiện đã nhiều lần ăn chặn hàng từ thiện khiến dư luận nhói lòng, bức xúc.

Có một sự thật đáng buồn là chuyện ăn chặn tiền, quà từ thiện từ chính những người trong cuộc như vụ việc trên không phải là chuyện "mới xảy ra". Đơn cử cuối năm 2017, người dân xã Hoằng Phong (tỉnh Thanh Hóa) bị ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới, khi đến nhận tiền hỗ trợ của nhà nước, đã bị lãnh đạo xã công khai "xin lại" từ 10%-15% với lý do để chè nước, đi lại. Hay UBND xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) năm 2018 chi trả tiền hỗ trợ thiên tai, lũ lụt của nhà nước cho người dân nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do lũ lụt nhưng lại bắt họ quyên góp tiền "vệ sinh môi trường". Cũng trong năm 2018, hàng loạt cán bộ xã, phường ở Quảng Ngãi bị phát hiện "ăn chặn" tiền chính sách của người có công...

Hành động ăn chặn của người nghèo, người có công có thể nói là quá táng tận lương tâm, làm xấu đi hình ảnh của cán bộ, nhân viên nhà nước và nhất là gây mất niềm tin trong nhân dân. Thế nhưng thời gian qua, những vụ việc này dường như chưa được xử lý nghiêm, thậm chí có nơi còn bao che, xử phạt qua loa nên không răn đe được những người có lòng tham và bàn tay bẩn.

Xã hội ngày càng phát triển nên nhiều tổ chức, cá nhân có xu hướng đẩy mạnh hoạt động từ thiện, hỗ trợ những trường hợp khó khăn. Vì vậy, việc giám sát các hoạt động từ thiện xã hội này rất cần được chú trọng, để tránh những tiêu cực. Ngoài ra, nếu phát hiện có trường hợp ăn chặn phải nghiêm trị, kể cả truy tố trách nhiệm hình sự. Có như vậy mới mong triệt được tình trạng "ăn bẩn".