Bảo đảm sự đồng thuận cao

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 9 (ngày 5-5), với tỉ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành,

Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng đã công bố dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 6-5 đến 5-6-2025.

Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhiều mô hình tổ chức mới đã được thí điểm và triển khai trên thực tế nhưng lại chưa có cơ sở hiến định vững chắc, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quốc hội quyết định sử dụng hình thức nghị quyết để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp là phù hợp với thông lệ pháp luật quốc tế, vừa linh hoạt vừa bảo đảm chặt chẽ về quy trình, tránh xáo trộn toàn văn Hiến pháp khi phạm vi điều chỉnh là hẹp.

Trong quá trình thực hiện lấy ý kiến nhân dân, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân về mục đích, ý nghĩa và nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và thúc đẩy sự tham gia chủ động, tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Việc tổ chức lấy ý kiến cần được thực hiện công khai, dân chủ, nghiêm túc và thực chất. Các cơ quan liên quan cần triển khai đa dạng các hình thức lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy ý kiến cần phù hợp với từng nhóm đối tượng trong xã hội, có sự hướng dẫn, chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong thời gian lấy ý kiến khoảng một tháng, trước yêu cầu gấp rút về tiến độ, các cơ quan được giao trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến cần có sự chỉ đạo quyết liệt, ban hành hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, dễ triển khai, dễ thực hiện và đạt hiệu quả cao. Đồng thời, cần phân công rõ ràng trách nhiệm trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của nhân dân. Nhiệm vụ này cần được thực hiện công khai, minh bạch, thể hiện rõ tinh thần cầu thị và sự tôn trọng đối với tiếng nói của nhân dân trước các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Chúng ta cần nhấn mạnh rằng việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn liền với vận mệnh của đất nước và lợi ích chính đáng của nhân dân. Vì vậy, Quốc hội cùng các cơ quan có trách nhiệm cần chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung công bố lấy ý kiến, quy trình triển khai, quá trình tổng hợp, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, trước yêu cầu về thời gian của kỳ họp thứ 9, cần bảo đảm tiến độ và sự đồng thuận cao trong xã hội đối với quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này.

Hiến pháp là đạo luật gốc, có giá trị nền tảng nên bất kỳ sửa đổi nào cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, đồng thời phải nhanh nhạy, kịp thời để không bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế.