Bảo hiểm nhân thọ hết cửa "tung hỏa mù"
Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không được bán kiểu "combo" như trước, giúp khách hàng ý thức rõ quyền lợi nào phải trả phí, quyền lợi nào có tính tích lũy
Từ ngày 1-7, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không còn tung hỏa mù với quy định mới. Nhiều công ty bảo hiểm tại Việt Nam buộc phải điều chỉnh danh mục sản phẩm, ngừng kinh doanh các bảo hiểm liên kết đầu tư và quyền lợi bổ trợ không phù hợp với Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Sự thay đổi này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo sự minh bạch trong ngành bảo hiểm.
Khó khăn là tất yếu khi bảo hiểm nhân thọ không còn tung hỏa mù
Theo ghi nhận, nhiều đại lý bảo hiểm đã tuân thủ quy định và không còn bán kèm sản phẩm bổ trợ như trước đây. Bà Nguyễn Ngọc Ngân, một đại lý bảo hiểm tại TP HCM, cho biết các khách hàng đã mua hoặc gia hạn hợp đồng trước ngày 1-7 vẫn được giữ nguyên quyền lợi.
Tuy nhiên, với các hợp đồng mới, chỉ còn 2 quyền lợi chính là tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn; nếu muốn được bảo vệ thêm trước các rủi ro như nằm viện, phẫu thuật, ung thư, đột quỵ…, khách hàng phải mua thêm sản phẩm bổ trợ riêng. Điều này khiến việc tư vấn gặp nhiều khó khăn, do khách hàng thường ngại chi thêm tiền, làm doanh thu của đại lý bị ảnh hưởng đáng kể.
Trong khi đó, chị Lê Ánh Tuyết, một tư vấn viên bảo hiểm tại TP HCM, than thở nghề tư vấn bảo hiểm vài năm nay gặp nhiều khó khăn, nay càng thêm chật vật khi khách hàng ít mặn mà hơn. Trước đây, mỗi tháng chị có thể tìm được vài khách, giờ có khi cả tháng không ký nổi hợp đồng nào.
Tương tự, bà Đặng Thị Đào (ngụ phường Cầu Ông Lãnh, TP HCM), đại lý bảo hiểm với hơn 20 năm kinh nghiệm, cũng cho biết kể từ khi áp dụng quy định mới, việc thu hút khách hàng càng trở nên khó khăn.
"Nếu trước kia, một sản phẩm bảo hiểm có thể bao gồm hàng loạt quyền lợi như tử vong, thương tật, bệnh hiểm nghèo, chăm sóc sức khỏe, đầu tư gia tăng tài sản thì nay các quyền lợi này phải tách riêng, khiến khách hàng cảm thấy bị hạn chế nên thường từ chối ngay từ đầu" - bà Đào nói.
Vì tiếp cận khách hàng ngày càng khó nên một số đại lý bảo hiểm vẫn tư vấn kiểu lập lờ giữa bảo hiểm chính và các sản phẩm bổ trợ dù bị cấm. Khi chúng tôi tìm hiểu mua bảo hiểm qua một đại lý quảng cáo trên Facebook, ngay lập tức được giới thiệu gói bảo hiểm 18 triệu đồng/năm.
Khi hỏi kỹ, người này mới nói đây là 2 gói riêng biệt, gồm hợp đồng chính và hợp đồng bổ trợ. Đại lý này sau đó liên tục nhắn tin thuyết phục, chủ động đề nghị chúng tôi kết bạn Zalo để gửi thêm thông tin, thậm chí "năn nỉ" ký hợp đồng để đạt doanh số.
Ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính, cho rằng việc các sản phẩm bảo hiểm không còn là những "gói combo" như trước sẽ giúp khách hàng ý thức rõ quyền lợi nào phải trả phí, quyền lợi nào có tính tích lũy. Trước đây, các quyền lợi thường bị gom vào một hợp đồng khiến khách hàng kỳ vọng quá nhiều, đến khi kiểm tra giá trị thực thì hụt hẫng vì đã bị trừ phí rủi ro khá lớn.
Quy định mới buộc tư vấn viên phải tìm hiểu nhu cầu thật sự của khách hàng, từ đó thiết kế "đóng gói" sản phẩm phù hợp, không còn kiểu "một hợp đồng ôm tất cả". Đây cũng là thách thức lớn cho các tư vấn viên vốn quen thao túng cảm xúc, khơi gợi nhu cầu bảo hiểm mà không đi sâu vào hoạch định tài chính cá nhân.
Cũng theo ông Đán, các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm sẽ phải tổ chức đào tạo lại cho tư vấn viên. Những người đã quen bán sản phẩm kiểu "thập toàn đại bổ" chắc chắn sẽ gặp khó. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng đội ngũ, sàng lọc những tư vấn viên yếu kém, từ đó xây dựng thị trường bảo hiểm chuyên nghiệp và minh bạch hơn.

Từ sau ngày 1-7, người mua có quyền chọn mua quyền lợi bảo hiểm phù hợp nhu cầu của mình. Minh họa AI: LÊ TỈNH
Thị trường sẽ minh bạch hơn
Ông Larry Trương, chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, đồng tình với việc tách riêng sản phẩm bảo hiểm chính và bổ trợ là rất cần thiết. Theo ông, điều này cho phép khách hàng chủ động lựa chọn các quyền lợi phù hợp nhu cầu và khả năng tài chính, thay vì phải mua cả gói với nhiều quyền lợi không cần thiết như trước.
Thực tế, nhiều hợp đồng bảo hiểm từng gắn kèm quyền lợi bổ trợ mà không phải khách hàng nào cũng có nhu cầu, khiến chi phí tăng lên nhưng hiệu quả bảo vệ lại không cao.
Ông Trương nhấn mạnh quy định này còn đặt ra yêu cầu nâng cao đạo đức nghề và trình độ chuyên môn của đội ngũ tư vấn viên, qua đó góp phần làm thị trường bảo hiểm trở nên minh bạch hơn.
ThS Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc Chương trình ngành bảo hiểm - Đại học Kinh tế TP HCM, cho biết về nguyên tắc pháp luật, bảo hiểm tai nạn, sức khỏe vốn đã được quy định tách riêng khỏi nhóm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ từ năm 2010. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều DN vẫn gộp các quyền lợi này vào sản phẩm liên kết đầu tư như liên kết chung, liên kết đơn vị, khiến khách hàng hiểu lầm.
Các hợp đồng được thiết kế phức tạp, không phân tách rõ yếu tố bảo vệ và đầu tư, làm khách tưởng mình được "tặng" thêm quyền lợi nhưng thực chất tất cả đều đã được trừ vào phí đóng. Phần phí rủi ro bị khấu trừ định kỳ, dẫn tới giá trị hợp đồng hao hụt, đến khi rút tiền mới phát hiện không còn bao nhiêu.
Ông Hùng cho rằng chính sự nhập nhằng này khiến khách hàng mất lòng tin, vì DN bảo hiểm lại đóng vai trò giống như một nhà đầu tư tài chính hơn là đơn thuần cung cấp bảo vệ. Trong khi không phải ai cũng có nhu cầu hoặc khả năng đầu tư, nếu DN không xác định đúng nhu cầu thì tư vấn dễ gây hiểu lầm nghiêm trọng.
Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu bảo hiểm sức khỏe đã tăng mạnh, cho thấy người dân ngày càng quan tâm đến yếu tố bảo vệ. Nếu các quyền lợi sức khỏe vẫn "ẩn" trong gói liên kết đầu tư, khách hàng sẽ tưởng mình được bảo vệ toàn diện nhưng thực chất tiền lại bị tiêu hao cho phần đầu tư nhiều rủi ro.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hơn 90% sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trước đây từng chuyển sang hình thức liên kết đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến 2024, loại hình này đã giảm khoảng 40%, trong khi các sản phẩm thuần bảo vệ đang dần tăng trưởng trở lại.
Vẫn cần đọc kỹ hợp đồng
Theo một chuyên gia trong ngành bảo hiểm, Nghị định 46/2023 có hiệu lực buộc các DN bảo hiểm nhân thọ phải minh bạch hơn trong thiết kế sản phẩm.
Theo đó, các quyền lợi bổ trợ như bệnh hiểm nghèo, nằm viện, tai nạn... không còn được gộp chung trong hợp đồng chính mà phải được tách riêng, giúp khách hàng dễ hiểu, dễ quản lý quyền lợi của mình. Thị trường vì thế sẽ chuyển dần từ các gói "combo quyền lợi" phức tạp sang những sản phẩm tối giản, rõ ràng và dễ tiếp cận hơn.
Khi hợp đồng minh bạch, khách hàng nắm rõ mình được bảo vệ như thế nào và có thể yêu cầu chi trả đúng lúc; người tư vấn cũng không còn cơ hội mập mờ thông tin như trước. "Tuy vậy, người mua bảo hiểm cũng cần chủ động đọc kỹ hợp đồng, hỏi rõ điều kiện chi trả trước khi ký, đừng chỉ nghe những quyền lợi hấp dẫn mà phải hiểu rõ mình đang mua gì và được gì" - chuyên gia này khuyến cáo.