Bảo kiếm An Dân - Biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn

(NLĐO) - Bảo kiếm An Dân là một trong những biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn, do Ngự xưởng chế tạo năm 1916, khi Hoàng đế Khải Định lên ngôi, bằng các chất liệu quý hiếm

Bảo vật được "giấu kín" gần nửa thế kỷ
Bảo kiếm An Dân - Biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn- Ảnh 1.

Bảo kiếm An Dân, biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn

Ngày 30-8-1945, ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, tại lầu Ngũ Phụng trên đài Ngọ Môn - Đại nội Huế đã diễn ra nghi thức trao ấn kiếm thoái vị của vua Bảo Đại cho phái đoàn đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận.

Trước đó, trong buổi hội kiến chuẩn bị cho lễ thoái vị, vua Bảo Đại đã thống nhất bàn giao toàn bộ tài sản của vương triều, trong đó có Bảo kiếm An Dân, cho chính quyền Cách mạng. 

Ngày 27 và 28-8-1945, việc kiểm đếm đã được Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Nội các Phạm Khắc Hòe tiến hành. Người thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời để kiểm nhận tài sản là Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến. 

Sau lễ thoái vị của vua Bảo Đại, toàn bộ số bảo vật này đã được chuyển ra Hà Nội.

Bảo kiếm An Dân - Biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn- Ảnh 2.

Vua Khải Định, người ở trên ngai vàng nhà Nguyễn từ năm 1916-1925. Ảnh: Bunum.univ-cotedazur.fr.

Tháng 12-1946, khi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ sưu tập bảo vật này được đưa đi cất giữ. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, bộ sưu tập được đưa về Bộ Tài chính quản lý. 

Tháng 12-1959, Bộ Tài chính bàn giao các bảo vật cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lưu giữ. Năm 1962, để bảo đảm an ninh, an toàn cho bộ sưu tập, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã gửi sang Ngân hàng Nhà nước lưu giữ theo chế độ đặc biệt.

Suốt gần nửa thế kỷ, bộ sưu tập hoàn toàn bị "đóng kín", rất ít người biết đến sự tồn tại của chúng. Mỗi năm một lần, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cử người có trách nhiệm đến kho của ngân hàng kiểm tra niêm phong.

Vua Khải Định tên khai sinh là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, sinh ngày 8-10-1885, là vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn. Ông là con trưởng của Vua Đồng Khánh và Hòa tần Dương Thị Thục. Vua Khải Định lên ngôi năm 31 tuổi, trị vì từ năm 1916 đến 1925. Ông mất vào năm 40 tuổi.

Tới năm 2007, sau khi Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia - cải tạo, nâng cấp kho bảo quản đặc biệt và đầu tư, lắp đặt trang thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn, bộ sưu tập bảo vật nêu trên mới được bàn giao trở lại để nơi này lưu giữ, bảo quản.

Khi bảo kiếm An Dân được tiếp nhận từ ngân hàng, phần gỗ và đồi mồi của một đoạn đã bị hư hại, mủn nát, không thể phục hồi; lưỡi bị gỉ và sứt nhỏ. Tuy nhiên, toàn bộ chuôi và vàng nạm ngoài bao kiếm còn khá nguyên vẹn.

Năm 2008 - 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành bảo quản phần kim loại, xử lý ăn mòn và han gỉ ở lưỡi kiếm, đồng thời bổ sung một số viên đá vào các vị trí còn khuyết trên chuôi. Phần gỗ và đồi mồi bị hư hại ở bao kiếm cũng được phục chế.

Kỳ công tạo tác

Bảo kiếm An Dân dài 94,5 cm, thuộc loại hình kiếm thẳng, lưỡi dài (trường kiếm), hai cạnh bén, đầu mũi nhọn (võ kiếm). Đây là loại kiếm đơn thủ - cầm một tay.

Đến nay, nguồn sử liệu xác định năm tạo tác bảo kiếm An Dân vẫn chưa tìm thấy. Song, nội dung đúc trên chuôi kiếm cho thấy bảo kiếm An Dân được chế tạo vào niên hiệu Khải Định (1916 - 1925).

Bảo kiếm An Dân - Biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn- Ảnh 3.

Bảo kiếm An Dân được tạo tác vào niên hiệu Khải Định (1916 - 1925)

Ngoài ra, dựa theo bức ảnh tư liệu chụp năm 1916 (do Hội Những người bạn cố đô Huế - A.A.V.H cung cấp) - với Hoàng đế Khải Định trong bộ quân phục mùa đông theo phong cách sĩ quan Pháp, hai tay chống bảo kiếm An Dân - có thể xác định niên đại chế tạo bảo kiếm này vào khoảng cuối năm Khải Định thứ nhất - 1916.

Bảo kiếm An Dân - Biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn- Ảnh 4.

Hoàng đế Khải Định với bảo kiếm An Dân đeo bên hông

Bảo kiếm An Dân gồm 2 phần thanh kiếm và bao kiếm. Thanh kiếm có phần chuôi được đúc và chạm khắc bằng vàng, trang trí cẩn đá quý, tay chắn hình lá đề bằng vàng.

Kiếm có lưỡi được rèn bằng sắt, màu xám đen, dẹt, phẳng ở giữa; hai rìa cạnh được mài vát, cạnh sắc, đầu mũi nhọn theo hình tam giác. Chuôi kiếm đúc bằng vàng, thân hình trụ chữ nhật, vồng ở giữa, hai đầu thu nhỏ. Đốc kiếm đúc hình đầu rồng ngậm quai bảo vệ tay cầm kiếm. Quai được tạo như hình tia lửa (rồng phun lửa), cách điệu thành hình gậy Như ý, một đầu liền với tia lửa trong miệng rồng, một đầu nối với tay chắn.

Bảo kiếm An Dân - Biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn- Ảnh 5.

Đầu rồng uy nghi, mặt quay nghiêng về một bên (phía quai kiếm), hai mắt tròn to, đính 2 viên đá hình cầu màu trắng bóng. Cánh mũi rồng nở rộng, miệng nhe răng nanh dài, nhọn, râu xoắn móc lượn theo khóe miệng, hai tai dạng thú, xoắn theo hình lá dâu, hai sừng và bờm bám sát vào đầu, vuốt ngược ra sau. Đỉnh đầu của rồng chạm nổi chữ Vương (王).

Thân chuôi (tay cầm) bốn mặt trang trí trong khung diềm tết nổi vặn thừng. Mặt trước đúc nổi 4 chữ Hán theo lối Khải thư "An Dân bảo kiếm". Mặt sau chạm nổi hình rồng uốn lượn, đầu hướng về phía đốc kiếm, dáng mập và uy nghi với hai mắt mở to, cánh mũi nở rộng, miệng há, rõ răng nanh, hai râu cong ngược về trước, bờm và hai sừng vuốt về sau, mỗi sừng đều chẻ hai nhánh.

Bảo kiếm An Dân - Biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn- Ảnh 6.

Thân rồng uốn thành 5 khúc, có 4 chân, mỗi chân 5 móng, đuôi xoắn hình rẻ quạt, mang đậm đặc trưng hình rồng thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX). Mặt trong tay cầm đúc nổi 4 chữ Hán theo lối Khải thư "Khải Định niên tạo"(tạo tác năm Khải Định) trong ô hình khánh, trên và dưới trang trí hồi văn chữ S đầu vuông gấp khúc.

Mặt ngoài tay cầm được đính 7 viên đá quý hình cầu, màu trắng bóng, chạy dọc theo tay cầm; viên chính giữa to nhất và nhỏ dần về hai phía. 7 viên đá này cũng được bố cục trong ô hình khánh, phía trên và dưới dướichạm nổi trang trí hồi văn hình chữ S đầu vuông gấp khúc. Phía dưới tay cầm, nơi tiếp giáp với tay chắn, chạm nổi băng hoa 4 cánh và dây lá uốn móc.

Bảo kiếm An Dân - Biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn- Ảnh 7.

Tay chắn ngang, phần đuôi cách điệu hình đuôi rồng 5 cánh, lưng chạm nổi hoa dây uốn móc; phía ngoài tạo yếm hình bầu dục, chính giữa yếm đúc nổi hình mặt rồng (nhìn theo phương chính diện, giống với mặt hổ phù) với những nét đặc trưng như đầu rồng ở đốc kiếm và hình rồng ở tay cầm. Hai mắt rồng đính hai viên đá hình cầu, màu trắng bóng; hai chân dang rộng ra hai bên, nổi rõ chân 5 móng. Diềm ngoài của rồng đính 15 viên đá quý hình cầu, đan xen màu trắng bóng và màu đỏ

Bảo kiếm An Dân - được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 12 năm 2024 - được đánh giá là tư liệu quý; đại diện tiêu biểu, minh chứng cho những giá trị văn hóa trong giai đoạn "gạch nối" của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Thêm góc nhìn về Hoàng đế Khải Định

Bảo kiếm An Dân cùng bộ quân phục được Hoàng đế Khải Định yêu cầu thiết kế riêng thường xuất hiện song hành cùng nhà vua trong các sự kiện chính trị, những chuyến tuần du, kinh lý ở các địa phương cũng như công du sang Pháp dự hội chợ thuộc địa ở Marseille năm 1922.

Bảo kiếm An Dân - Biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn- Ảnh 8.

Theo Cục Di sản văn hóa, nghiên cứu, so sánh những bảo kiếm thời Nguyễn trong bộ sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn - hiện lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia - An Dân là bảo kiếm duy nhất có tên gọi cụ thể.

Bảo kiếm An Dân dù có hình thức giống với các loại kiếm của Pháp và phương Tây thế kỷ XVIII - XIX nhưng hoa văn trang trí trên chuôi và bao được đúc, chạm khắc tinh xảo, mang đậm đặc trưng mỹ thuật cung đình triều Nguyễn.

Bảo kiếm An Dân - Biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn- Ảnh 9.

Trong đó, nổi bật là đầu rồng ở đốc kiếm chạm nổi chữ "vương"; các họa tiết hình rồng 5 móng; hình mặt trời, tản vân, hoa cúc dây, hồi văn chữ S được chạm nổi trang trí ở chuôi và bao kiếm. Bao kiếm được làm bằng gỗ, ngoài bọc đồi mồi. Những viên đá quý được đính trên chuôi kiếm cho thấy rõ hơn sự khác biệt của An Dân so với các loại kiếm của phương Tây.

Hai dòng chữ Hán "An Dân bảo kiếm" và "Khải Định niên tạo" đúc nổi ở tay cầm càng khẳng định thêm tính độc bản, riêng có của bảo kiếm này.

Có thể nói, từ cảm hứng nghệ thuật dựa theo các mẫu kiếm của Pháp, Hoàng đế Khải Định đã cho thiết kế thanh kiếm của mình với những đặc điểm khác biệt,  tạo nên một bảo kiếm độc đáo, phản ánh nghệ thuật thủ công truyền thống mang phong cách cung đình triều Nguyễn.

Qua đó, chúng ta cũng phần nào có cái nhìn sinh động hơn về tính cách và cuộc đời của Hoàng đế Khải Định - một nhân vật lịch sử còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan hơn.

Theo Cục Di sản văn hóa, bảo kiếm An Dân với hình dáng, cấu trúc, hoa văn trang trí do Hoàng đế Khải Định yêu cầu thiết kế mang nét đặc trưng riêng, đã cung cấp những tư liệu chân xác về loại hình bảo kiếm triều Nguyễn; về các đề tài trang trí rồng, mặt trời, tản vân, hoa lá... của mỹ thuật cung đình triều Nguyễn giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Bảo kiếm An Dân - Biểu tượng quyền uy của vương triều Nguyễn- Ảnh 10.