Đồng thời Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày với chủ đề Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế để trưng bày giới thiệu 100 hiện vật tiêu biểu thời Khải Định.
Sau khi được thành lập vào ngày 16-11-1913, các hội viên Hội Đô thành Hiếu cổ đã nỗ lực tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật đưa về cất giữ trong điện Long An. Số cổ vật do các hội viên thu thập ngày một tăng, là tiền đề để Khâm sứ Pasquier tác động đối với triều đình nhà Nguyễn và ngày 17-8-1923, vua Khải Định ký dụ cho phép chính thức thành lập bảo tàng Musée Khải Định.
Ngày 24-8-1923, Khâm sứ Pasquier đã ký nghị định thực hiện chỉ dụ của vua về việc thành lập Musée Khải Định tại Huế. Điện Long An nằm trong cung Bảo Định, được xây dựng vào năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị, được đánh giá là cung điện đẹp nhất còn lại cho đến ngày nay. Dưới thời vua Thành Thái, cung Bảo Định bị triệt giải nhưng điện Long An vẫn được giữ gìn trong trạng thái khá nguyên vẹn. Tháng 6-1908, vua Duy Tân cho di dời trường Quốc Tử Giám từ làng An Ninh về xây dựng trong Kinh thành Huế, điện Long An cũng đã được cho di dời về dựng lại tại vị trí hiện nay với tên gọi mới là Tân Thơ viện - nơi lưu giữ các tư liệu phục vụ cho việc học tập của các học sinh trường Quốc Tử Giám.
Điện Long An - nơi lưu giữ các tư liệu phục vụ cho việc học tập của các học sinh trường Quốc Tử Giám
Theo thông báo ngày 18-4-2023 kết luận buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, về nội dung kiến nghị đầu tư xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lập dự án đầu tư xây dựng bảo tàng và xác định vị trí phù hợp. Thủ tướng nhấn mạnh rằng việc trưng bày, giới thiệu cổ vật cung đình Huế cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phải khoa học, hiện đại; kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hòa, phù hợp với tổng thể di tích cố đô Huế.
Bình luận (0)