Biến động ngành công nghệ thông tin toàn cầu: Đại học dạy gì cho sinh viên?
(NLĐO)- Giữa cơn lốc công nghệ, khi AI ngày càng hỗ trợ tích cực cho quy trình sản xuất phần mềm thì liệu ngành công nghệ thông tin có còn hấp dẫn?
Vậy sinh viên ngành công nghệ thông tin (CNTT) cần thích ứng thế nào để phát triển lâu dài trong sự nghiệp? Từ góc độ thiết kế chương trình đào tạo mở, tận dụng công cụ Trí tuệ nhân tạo (AI), đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, phát triển tư duy liên ngành và kỹ năng thích ứng với thay đổi, PGS- TS Trần Đan Thư, Trưởng Khoa Công nghệ, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP HCM (UMT) - chia sẻ giải pháp
Sinh viên công nghệ thông tin thực hành trên tài nguyên Big Tech
Thực tế cho thấy nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin vẫn tăng, nhưng yêu cầu từ nhà tuyển dụng ngày càng khắt khe. Ngoài chuyên môn, kỹ sư CNTT cần có tư duy đổi mới sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, lãnh đạo, thành thạo ngoại ngữ chuyên ngành, có tiềm năng trở thành các nhân sự then chốt tham gia vào quy trình phát triển phần mềm hoặc quản trị - vận hành hệ thống thông tin của doanh nghiệp.

Phòng lab iMac của Khoa Công nghệ, UMT kết nối với máy chủ ảo VPS được cung cấp bởi các Big Tech như Apple, Google, Amazon, IBM, Microsoft, NVIDIA phục vụ dạy học ngành công nghệ thông tin. Ảnh: UMT
"Đào tạo CNTT phải gắn liền với lab công nghệ. Hầu hết môn học trong chương trình đào tạo đều có số giờ thực hành ở phòng lab lớn hơn hoặc bằng số giờ lý thuyết" – PGS- TS Trần Đan Thư nhấn mạnh. Ông cho biết thực hành lab giúp sinh viên (SV) hiểu sâu sắc nền tảng lý thuyết và để có thể áp dụng một cách hiệu quả nhất. Khi đó, việc học lý thuyết không chỉ ở mức truyền đạt mà còn là không gian cho SV thảo luận, tư duy, minh họa kiểm chứng các vấn đề thông qua quá trình thực hành.
Tuy nhiên, việc đầu tư phòng lab phục vụ đào tạo và thực hành công nghệ thông tin từ cấp độ cơ bản, cơ sở ngành, chuyên ngành đến các chuyên đề nâng cao là thách thức lớn đối với nhiều trường đại học ở Việt Nam do cần ngân sách đầu tư cho cả phần cứng và phần mềm.
Theo PGS- TS Trần Đan Thư, ngoài việc trang bị các máy trạm PC và máy tính Apple MAC với cấu hình phù hợp, việc xây dựng hệ thống mạng LAN ổn định, kết nối các dịch vụ điện toán đám mây hay máy chủ ảo VPS tài trợ cho giáo dục được cung cấp bởi Google, Amazon, IBM, Apple, Microsoft, NVIDIA sẽ giúp giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu. Tận dụng các nền tảng nguồn mở (Linux, Java, Python, Docker, Kubernetes, MySQL…), lab thực hành được hỗ trợ bởi AI với các phần mềm và tài nguyên học tập đến từ các công ty công nghệ lớn (Big Tech), sẽ mở ra cơ hội để người học tiếp cận những kiến thức và công nghệ tiên tiến nhất.
Sinh viên công nghệ thông tin khám phá thế giới bên ngoài màn hình
Trở về từ chương trình trải nghiệm quốc tế tại Indonesia tháng 6 vừa qua – chương trình thường niên của SV UMT, Phan Nguyễn Duy Kha - SV ngành CNTT, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP HCM, cho biết vươn ra khỏi giáo trình và những giờ học trên lớp, nhà trường và các CLB SV thường xuyên tổ chức các hội thảo, workshop chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện từ các tập đoàn công nghệ uy tín trong và ngoài nước như Google, IBM, Microsoft, Amazon, CMC Corporation, VNG Corporation, ZaloPay, MoMo, Agest...
Phan Nguyễn Duy Kha chia sẻ rằng những hoạt động ngoài giờ lên lớp là cơ hội để SV cập nhật xu hướng công nghệ từ góc độ toàn cầu và thị trường nội địa, đồng thời đối thoại trực tiếp với "người trong nghề". Bạn cũng đề nghị trường cũng cần chủ động mở rộng mạng lưới đối tác doanh nghiệp đa dạng, đáng tin cậy để sinh viên có nhiều cơ hội thực tập, trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp, dưới sự hướng dẫn và đồng hành từ đội ngũ giảng viên.

Hai sinh viên UMT đạt giải ba Kỳ thi Olympic Tin học Sinh viên. Cuộc thi thu hút 700 thí sinh từ các ĐH, CĐ, học viện trong và ngoài nước. Ảnh: UMT
Ngoài ra, các sân chơi học thuật, CLB chuyên ngành, các cuộc thi như Olympic tin học, toán học, các giải lập trình là môi trường lý tưởng để SV trau dồi kỹ năng, tư duy giải quyết vấn đề, chia sẻ đam mê, mở rộng mạng lưới kết nối trong và ngoài nước.
Tư duy liên ngành, tái đào tạo kỹ năng, kết nối doanh nghiệp
Ngành CNTT đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng vì công nghệ phát triển với tốc độ cực nhanh và môi trường làm việc nhiều biến động. Từ năm nhất, chương trình học cần tập trung phát triển kỹ năng mềm, năng lực tự học, tư duy liên ngành và đặc biệt là thói quen tái đào tạo kỹ năng (reskill) thông qua giáo dục khai phóng. Cách tiếp cận này, không đặt nặng tính hàn lâm, sẽ nuôi dưỡng sự đổi mới sáng tạo, tính tò mò và khả năng thích nghi trong nhiều hoàn cảnh, giúp mỗi bạn tối ưu hóa nguồn lực và giải quyết vấn đề hiệu quả.
Việc tích hợp AI vào quá trình học tập và đào tạo SV sử dụng AI một cách thích hợp như một công cụ trợ thủ là vô cùng quan trọng. Ví dụ, SV nên được học cách ứng dụng AI vào nhiều pha khác nhau của quy trình phát triển phần mềm, từ lập kế hoạch, phân tích yêu cầu, thiết kế, viết mã nguồn, kiểm thử, cho đến triển khai và bảo trì.
Gắn kết đào tạo với thực tiễn, các hoạt động Study Tour của UMT tại các Vườn ươm Doanh nghiệp giúp SV tiếp xúc trực tiếp môi trường làm việc thực tế, tìm hiểu quy trình và yêu cầu từ doanh nghiệp. Điều này giúp mở rộng cơ hội thực tập, việc làm cho SV, giúp chương trình đào tạo luôn được cập nhật, sát với nhu cầu thị trường.