Bỏ room tín dụng: Cơ hội kèm thách thức

Khi bỏ hạn mức tín dụng thì phải linh hoạt các công cụ dự trữ bắt buộc, lãi suất, tái cấp vốn, tỉ giá… để vừa cung ứng vốn vừa kiểm soát lạm phát

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét việc dỡ bỏ room tín dụng, nhằm nâng cao hiệu quả cung ứng vốn cho nền kinh tế. Việc này sẽ thay thế các công cụ hành chính bằng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng. Các ngân hàng sẽ có thể chủ động hơn trong việc phân bổ vốn, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Chính sách mới này hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng bỏ room tín dụng hiệu quả nhất

Theo số liệu của NH Nhà nước, tính đến cuối tháng 6-2025, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỉ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. Cơ cấu tín dụng được đánh giá là phù hợp, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp. Một số chuyên gia đánh giá tín dụng đang tăng trưởng đúng hướng, dự báo sẽ còn bứt tốc trong những tháng cuối năm nhờ mùa kinh doanh cao điểm và mặt bằng lãi suất ổn định. Do đó, việc NH Nhà nước bỏ cấp room tín dụng thời gian tới được xem là phù hợp.

Lãnh đạo cấp cao NH Công Thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ thực tế lâu nay, việc cấp room tín dụng hằng năm theo tỉ lệ nhất định đôi khi dẫn tới tình trạng không sử dụng hết hạn mức. 

Vào những tháng cuối năm, đôi khi NH phải tìm cách "thuyết phục" khách hàng vay thêm để đạt chỉ tiêu, qua đó bảo đảm đủ điều kiện để NH Nhà nước cấp room tín dụng năm sau ngang hoặc cao hơn năm trước. Do đó, việc xóa bỏ room tín dụng sẽ khắc phục tình trạng sử dụng room không đồng đều, khi một số NH đã "cạn room" sớm không thể tiếp tục cho vay, trong khi các NH khác lại không dùng hết chỉ tiêu.

Nếu không còn room tín dụng, các NH sẽ căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro và chiến lược kinh doanh để tự quyết định quy mô, tốc độ tăng dư nợ cho vay. Nhờ vậy, vốn có thể nhanh chóng chảy vào các lĩnh vực có nhu cầu cao, tiềm năng tăng trưởng lớn như sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, hạ tầng… 

"Các NH thương mại không thể chạy theo thành tích để tăng trưởng tín dụng quá mức bởi vì NH Nhà nước vẫn giám sát sát sao dư nợ của từng NH. Nếu NH nào tăng trưởng tín dụng "nóng", cơ quan quản lý sẽ có biện pháp hạ nhiệt để bảo đảm an toàn hoạt động, tránh rủi ro lan sang toàn hệ thống" - lãnh đạo VietinBank nhấn mạnh.

Bỏ room tín dụng: Cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Bỏ room tín dụng, hoạt động cho vay sẽ trở nên linh hoạt hơn, cung cầu vốn được điều tiết tự nhiên; vốn lưu thông nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất. Ảnh: TẤN THẠNH

Phải giám sát chặt chẽ

TS Lê Đạt Chí, Trưởng Khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng việc xóa bỏ cơ chế room tín dụng sẽ giúp giảm đáng kể thủ tục hành chính xin cấp, điều chỉnh room tín dụng, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cả NH Nhà nước và các NH thương mại. Khi đó, hoạt động tín dụng sẽ trở nên linh hoạt hơn, cung cầu vốn được điều tiết tự nhiên, vốn lưu thông nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất. 

"Điều này sẽ hỗ trợ các động lực tăng trưởng kinh tế, kỳ vọng GDP năm 2025 có thể tăng khoảng 8%. Song khi tín dụng tự do hơn, các NH buộc phải nâng cao năng lực thẩm định dự án, quản trị rủi ro, kiểm soát chất lượng tín dụng để tránh nợ xấu. 

NH Nhà nước lúc đó sẽ tập trung vào các công cụ gián tiếp như lãi suất, tỉ lệ dự trữ bắt buộc để kiểm soát tổng tín dụng, thay vì can thiệp trực tiếp vào từng NH" - ông Chí nói, đồng thời lưu ý NH Nhà nước cần giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng tín dụng lại "chảy" vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.

Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng việc bỏ room tín dụng cần tiến hành theo lộ trình thận trọng. TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, nhận định room tín dụng thực chất là chiếc "van" kiểm soát cung tiền. Nếu bỏ hoàn toàn khi thị trường vốn chưa phát triển đồng bộ thì nguy cơ tín dụng tăng quá mức có thể lặp lại. 

Ông dẫn chứng tỉ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam lên tới khoảng 134% là mức rất cao so với khu vực và thế giới. "Khi tín dụng tăng nhanh hơn GDP nhiều lần, sẽ kéo theo chất lượng tín dụng suy giảm, nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống NH cũng như nền kinh tế" - ông phân tích

Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng nêu thực trạng nguồn vốn trong nước vẫn đang phụ thuộc rất lớn hệ thống NH. Dư nợ tín dụng/GDP cuối năm 2024 đã lên tới mức 134%, nếu tiếp tục tăng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống NH và gây hệ lụy cho nền kinh tế, khó đạt mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế cao vừa bền vững.

Thực tế, bài học tăng trưởng tín dụng nóng giai đoạn 2007 - 2010 đã dẫn đến lạm phát ở mức cao vẫn là một nỗi lo. Nếu không có cơ chế kiểm soát tín dụng hiệu quả, thị trường hoàn toàn có thể chứng kiến một cuộc đua lãi suất mới khi các NH đẩy mạnh huy động và cho vay bằng mọi giá, nâng lãi suất huy động lên 13%-14%/năm và cho vay 18%-20%/năm.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng quản lý tín dụng theo hạn mức đã duy trì 14 năm, cũng nên tính đến việc bỏ vì không còn phù hợp. Có điều, chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện nay hướng đến đa mục tiêu - vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định tỉ giá vừa phải kiểm soát lạm phát. Trong khi ở Mỹ, châu Âu… tăng trưởng kinh tế chủ yếu sử dụng chính sách tài khóa, còn chính sách tiền tệ tập trung vào kiểm soát lạm phát. 

"Nếu bỏ room lúc này, NH Nhà nước cần áp dụng mô hình định lượng, sử dụng dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, quản lý nhằm tránh xảy ra các cú sốc cho nền kinh tế như năm 2008 - lạm phát tăng mạnh do nới lỏng tín dụng quá mức" - PGS Huân nói. 

Tín dụng phải phù hợp với quy mô GDP

Các chuyên gia nhấn mạnh nếu bỏ room tín dụng, NH Nhà nước cần điều hành linh hoạt các công cụ khác như tỉ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất, tái cấp vốn, tỉ giá… để vừa đáp ứng nhu cầu vốn vừa giữ lạm phát trong tầm kiểm soát. "Cơ quan quản lý cần bảo đảm tổng dư nợ tín dụng tăng phù hợp với quy mô GDP, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm hệ thống NH vận hành an toàn" - TS Lê Duy Bình nhấn mạnh.