Bộ VH-TT-DL "vinh danh" sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam

(NLĐO) - Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL vừa ký quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh.

Ngày 14-5, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Nam, cho biết Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL vừa ký quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Bộ VH-TT-DL "vinh danh" sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam- Ảnh 1.

Sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ sâm diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3 hàng tháng tại huyện Nam Trà My

Theo hồ sơ, địa điểm phân bố của di sản trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Vùng trồng sâm Ngọc Linh ở các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Don và Trà Vinh, trong đó tập trung nhiều ở xã Trà Linh.

Chủ thể văn hóa là cộng đồng cư dân thuộc các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don và Trà Mai trên địa bàn huyện Nam Trà My.

Qua quá trình thực hành, gắn bó với nghề, với núi rừng và cây sâm - sản vật được thiên nhiên ban tặng cho đồng bào nơi đây, cùng với việc nắm rõ đặc tính của cây sâm, cộng đồng cư dân địa phương đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng trong việc trồng, chăm sóc, chế biến sâm Ngọc Linh.

Từ buổi ban đầu còn phụ thuộc vào tự nhiên, cộng đồng đã tích lũy tri thức về nhận biết cây sâm, tác dụng của cây sâm, khu vực phân bố cây sâm tự nhiên; cho đến khi đưa về thuần dưỡng, những tri thức đó được áp dụng hiệu quả vào các khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và sử dụng, góp phần thúc đẩy nghề trồng sâm của địa phương phát triển đem lại giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, hệ tri thức dân gian này đã được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng cư dân tham gia trồng sâm ở địa phương và cả người địa phương khác đến tham gia trồng, chăm sóc, thu hoạch.

Ở Quảng Nam, sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên tại núi Ngọc Linh từ độ cao 1.500 m đến 2.100 m so với mực nước biển, mọc thành đám dưới tán rừng già dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn, phân bố chủ yếu ở khu vực các thôn của xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.

Với những giá trị cao về dinh dưỡng và dược tính vốn có đã được nghiên cứu và công bố, sâm Ngọc Linh được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Hiện nay, sâm Ngọc Linh được sản xuất và chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau phục vụ nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, góp phần làm phong phú sản vật của địa phương.

Top 5 nhân sâm tốt nhất thế giới

Sâm Ngọc Linh gắn liền với tên gọi dân gian là cây thuốc quý, cây thuốc giấu, có danh pháp khoa học là Panax vietnamensis, là một loài cây thuộc họ Cam tùng (Araliaceae), còn có tên khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm Trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm). Sâm Ngọc Linh được ghi vào trong sách đỏ Thực vật Việt Nam, là một trong những loại sâm quý hiếm, đắt đỏ và nằm trong top 5 nhân sâm tốt nhất thế giới. Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Hợp chất hóa học đa dạng và có tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá càng ngày càng cao, thậm chí còn cao hơn sâm Triều Tiên nhiều lần.

Sâm Ngọc Linh của Việt Nam có hàm lượng hoạt chất saponin cao nhất (khoảng 12-15%) và nhiều nhất so với các loài khác thuộc chi Panax. Ngoài ra trong sâm Ngọc Linh còn có 14 axít béo, 16 axít amin (trong đó có 8 axít amin không thay thế được) và 18 nguyên tố đa lượng, vi lượng. Những kết quả nghiên cứu mới nhất bổ sung thêm danh sách saponin và axít amin dài hơn nữa.