Bỗng dưng bị quấy rối

Chỉ vì có số điện thoại trong danh bạ của người đi vay, nhiều người bỗng trở thành nạn nhân của các cuộc gọi "khủng bố" đòi nợ

Chỉ trong 5 giờ, kéo dài từ trưa đến chiều, anh H. (ngụ tỉnh Lâm Đồng), người điều hành đội xe cứu thương 0 đồng nhận tới 33 cuộc gọi từ 33 đầu số khác nhau, tự xưng là tổng đài của ứng dụng SimpleVay, liên tục làm gián đoạn "đường dây nóng" cấp cứu.

Không vay, không bảo lãnh, vẫn bị đòi nợ

Các đối tượng yêu cầu anh trả 1,5 triệu đồng thay cho bà Trịnh Thị Kim Chi, với lý do số điện thoại của anh là "số liên hệ khẩn cấp" do bà này cung cấp. Dù anh H. nhiều lần khẳng định không quen biết người tên Chi, họ vẫn gọi dồn dập, nhắn tin đe dọa, tuyên bố sẽ "chạy auto" số của anh suốt ngày nếu khoản vay không được thanh toán.

Giải thích không ăn thua, anh H. đăng thông tin vụ việc lên mạng xã hội để cảnh báo cộng đồng, "đánh động" lương tâm những kẻ quấy rối. Sau đó, chính bà Chi - người vay tiền, gọi đến xin lỗi anh và thừa nhận từng vay 600.000 đồng nhưng bị ép trả đến 1,5 triệu đồng. Bà cũng bày tỏ bất ngờ vì bà từng gọi xe cứu thương từ thiện nên số anh H. bị SimpleVay tự ý lấy làm "người tham chiếu", giống như nhiều số khác trong danh bạ của bà.

Cuối tháng 6 vừa qua, anh T.D.N (ngụ phường Phước Long, TP HCM) lâm vào cảnh "dở khóc dở cười" khi liên tục nhận hàng chục cuộc gọi hiển thị tên HOME CREDIT, với nội dung xoay quanh việc truy tìm người quen tên B. đang nợ quá hạn tại công ty này.

Điều trớ trêu là anh N. chưa từng được hỏi ý kiến hay xác nhận làm người tham chiếu trước khi khoản vay được giải ngân cho B. "Tôi không hiểu họ lấy số điện thoại của tôi ở đâu. Lúc cho vay thì không hỏi, đến khi người khác nợ quá hạn lại liên tục gọi tôi để đòi. Tôi giải thích thì họ cúp máy, cứ như tra tấn tinh thần" - anh N. bức xúc. Mệt mỏi vì bị làm phiền, anh chủ động liên hệ bộ phận chuyên trách của công ty để phản ánh. Phía đại diện xác nhận những cuộc gọi trên nhằm "xác minh mối quan hệ với khách hàng". Tuy nhiên, khi anh đề nghị được xin lỗi vì bị làm phiền vô lý, lời đề nghị ấy đã bị phớt lờ.

Bỗng dưng bị quấy rối - Ảnh 1.

Bài đăng của anh H. trên mạng xã hội về việc “đường dây nóng” cứu thương từ thiện bị “khủng bố”

Hết thời "đánh tráo khái niệm"

Theo luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Thông tư 18/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016 của Ngân hàng Nhà nước đã quy định rõ: "Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính". Như vậy, việc các công ty tài chính hiện nay liên tục gọi điện cho những người không có nghĩa vụ trả nợ để "nhắc nợ" hoặc "truy tìm" là hành vi vi phạm pháp luật. Việc này còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người không liên quan, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, sức khỏe tinh thần và đời sống riêng tư của họ.

Luật sư Phát nhấn mạnh việc quấy rối, đe dọa, xúc phạm danh dự, vu khống qua điện thoại có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng, theo điểm g khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Người dân khi bị làm phiền có quyền gửi đơn trình báo đến cơ quan thanh tra để được xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.

Luật sư Phát cũng lưu ý, hiện nay, các công ty tài chính thường đánh tráo khái niệm, cho rằng họ chỉ "hỏi thông tin" về người vay khi liên hệ với người thân, bạn bè.

"Các cuộc gọi này không chỉ gây phiền toái cho người không liên quan mà còn chứa nội dung thách thức, đe dọa, xâm phạm nghiêm trọng đời sống riêng tư, ảnh hưởng đến công việc và tinh thần của họ. Những hành vi này rõ ràng đã xâm phạm quyền công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, thể hiện tại điều 20 Hiến pháp 2013 và điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015 về quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình" - luật sư Phát phân tích.

Lời cảnh tỉnh

Theo luật sư Nguyễn Văn Đông, Đoàn Luật sư TP HCM, việc xử lý nghiêm các hành vi quấy rối, đòi nợ trái pháp luật đã có tiền lệ. Gần đây nhất, vào tháng 6-2025, TAND TP HCM đã đưa ra xét xử nhóm 14 bị cáo từng là nhân viên Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset và tuyên phạt các mức án lên đến 6 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Theo cáo trạng, các bị cáo đã thực hiện hàng loạt thủ đoạn vi phạm pháp luật nhằm ép buộc khách hàng phải trả nợ. Trong đó, có việc sử dụng sim rác để gọi điện, nhắn tin đe dọa khách hàng và người thân. Một nạn nhân là nữ nhân viên y tế tại TP HCM tên B. vay 31 triệu đồng nhưng bị ép trả hơn 57 triệu. Khi không đòi được, nhóm này ngang nhiên gọi điện đến giám đốc bệnh viện nơi chị công tác để tạo sức ép. Một trường hợp khác, anh T. vay 15 triệu đồng, đã trả 11 triệu đồng nhưng bị các đối tượng liên tục gọi đến 2 phó chánh văn phòng của một UBND tại TP HCM, khiến anh rơi vào tình thế xấu hổ, hoang mang.

"Trong bối cảnh Chính phủ và các cơ quan chức năng liên tục ban hành chỉ thị, công điện và nâng cao chế tài nhằm dẹp bỏ "tín dụng đen", cảnh tỉnh những công ty tài chính, tổ chức "đòi nợ thuê trá hình" vẫn đang núp bóng hoạt động, sử dụng các thủ đoạn tinh vi để khủng bố người không liên quan, thì những bản án như vậy không chỉ mang tính răn đe mà còn là bước đi cần thiết để bảo vệ quyền công dân và trật tự xã hội" - luật sư Đông nhấn mạnh. 

"Siết" sim rác, răn đe tận gốc

Luật sư Lê Trung Phát nhấn mạnh dù pháp luật đã quy định khá rõ về các hành vi bị cấm và chế tài xử phạt, nhưng để xử lý triệt để tình trạng quấy rối qua điện thoại, cần những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn.

Trước hết, cần tăng nặng chế tài xử phạt hành chính, đặc biệt với các tổ chức thuê người thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, như tước giấy phép hoạt động của doanh nghiệp vi phạm trong một thời gian nhất định. Tiếp theo, cần đẩy nhanh việc đăng ký sim chính chủ và loại bỏ sim rác, nhằm tạo cơ sở xác minh các số điện thoại quấy rối, giúp người dân phản ánh dễ dàng và cơ quan chức năng thuận lợi trong truy vết, xử lý.

Luật sư Phát cũng đề xuất các nhà mạng tích hợp tính năng phản ánh cuộc gọi quấy rối, lừa đảo trên ứng dụng như VNeID hoặc nền tảng tương tự. Những số điện thoại bị phản ánh nhiều lần cần được theo dõi và xử lý kịp thời. Cuối cùng, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động hơn trong tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân, không để các công ty tài chính hoặc bên đòi nợ "lách luật" để ngang nhiên xâm phạm quyền công dân như hiện nay.